Hơn 130 doanh nghiệp cá tra tích cực xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

(vasep.com.vn) Tính đến nửa đầu tháng 10/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 385,9 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cho dù, giá trị giảm nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và năm nay số lượng doanh nghiệp (DN) cá tra tham gia vào thị trường này cũng đông đảo nhất.

Cho tới thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực XK cá tra sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, ba DN có giá trị XK lớn nhất sang thị trường này là Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TG FISHERY); Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI CORP) và Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO).

Năm nay, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường NK đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam như: Cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh, cá tra phile cắt khúc/cắt miếng còn da, cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra phile tẩm gia vị đông lạnh, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh…

Kể từ cuối quý 3/2020, tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại, trong đó một trong những nguyên nhân chính từ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Nhờ vậy cũng một phần thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng. Cho tới nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con tại Đồng Tháp dao động từ 22.000 – 23.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng cá rô phi và sản phẩm cá thịt trắng khác của Trung Quốc bị dồn lại thị trường nội địa do XK bị gián đoạn và ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất, nuôi trồng cá nước ngọt của Trung Quốc trong ba quý đầu năm nay cũng không ngoại lệ. Điều này cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới việc NK cá thịt trắng của Trung Quốc giảm hơn nhiều so với các năm khác.

Theo đánh giá của Tập đoàn Evergreen, năm 2020, sản lượng cá tra nuôi của Trung Quốc cũng có thể bị giảm gần ½ từ 32.000 tấn xuống còn khoảng 18.000 tấn do sản lượng cá thịt trắng trong nước lớn, nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ bị đánh thuế cao khiến cho nhiều DN Trung Quốc quay lại thị trường nội địa, đồng thời lên kế hoạch tăng cường hoạt động nuôi trồng cá tra tại một số địa phương có diện tích nuôi cá rô phi lớn. Tuy nhiên, cho tới nay, chất lượng cá tra Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được yêu cầu của khách hàng nước này do thịt vàng, cá bột khó sinh trưởng trong môi trường với nhiệt độ lạnh. Do đó, cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh và có ưu thế tại thị trường này.

Top 15 doanh nghiệp XK cá tra lớn nhất sang thị trường Trung Quốc QI-III/2020

STT

Doanh nghiệp

1

Công ty CP Thủy sản Trường Giang

2

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I

3

Công ty Cổ phần Gò Đàng

4

Công ty CP Vĩnh Hoàn

5

Công ty TNHH MTV CB Thủy sản Cát Tường

6

Công ty CP CB Và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex II

7

Công ty TNHH Hùng Cá

8

Công ty TNHH MTV CB Thủy sản Hoàng Long

9

Công ty CP Nam Việt

10

Công ty  TNHH CB Thực phẩm XNK Vạn Đức Tiền Giang

11

Công ty CP Thủy sản NTSF

12

Công ty TNHH Đại An Tiến

13

Công ty TNHH XNK Cỏ May

14

DNTN La Thúy Hồng

15

Công ty TNHH XNK Thủy sản Phúc Tâm Lợi

 

Top 10 doanh nghiệp XK cá tra lớn nhất sang thị trường Hồng Kông QI-III/2020

STT

Doanh nghiệp

1

Công ty CP Vĩnh Hoàn

2

Công ty Cổ phần Đầu tư Và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I

3

Công ty TNHH CB Thực phẩm Vạn Đức Tiền Giang

4

Công ty CP Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh

5

Công ty TNHH MTV SX-XNK Phi Long

6

Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang

7

Công ty CP Thủy sản NTSF

8

Công ty CP Thủy sản Trường Giang

9

Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Hương

10

Công ty Cổ phần Gò Đàng

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục