Cá tra xuất khẩu và nốt trầm chế biến sâu

Ngành cá tra đã kết thúc một năm đầy khó khăn nhưng cũng đầy cảm xúc với những kết quả rất đáng tự hào, lần đầu tiên xuất khẩu cá tra trên 2,4 tỷ USD. Nhưng nốt trầm còn đó...

Ảnh minh họa

Ước trên 2,4 tỷ USD là một dấu mốc ấn tượng trong lịch sử ngành cá tra Việt Nam. 2022 cũng là một năm thành công của ngành; ngoài sức tăng trưởng về sản lượng, về giá bán thì bước đầu ngành cá tra đã có những sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao hơn dù tỷ lệ rất thấp.

Chủ yếu vẫn dạng phi lê đông lạnh

Năm 2022, với bối cảnh thị trường đầy biến động ngành cá tra vẫn đạt được những thành công rất đáng ghi nhận.

Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 2-3 con số nhờ nhu cầu và giá xuất khẩu tăng. Ước xuất khẩu cá tra năm nay trên dưới 2,45 tỷ USD, tăng 59,09% so với năm 2021, tương đương 800.000 USD. Song, theo giới quan sát đánh giá thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như cá tra tăng mạnh chủ yếu là nhờ giá thành, và nhu cầu thế giới tăng cao chứ chưa phải dựa vào tăng trưởng về giá trị chế biến sâu.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tăng trưởng xuất khẩu cá tra tăng lên mạnh mẽ trong giai đoạn 6 tháng đầu năm và phần nhiều đến từ yếu tố giá, mặc dù không loại trừ yếu tố khi lạm phát tăng cao người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm có giá cả thích hợp.

“Doanh số xuất khẩu ngành cá tra tăng mạnh là nhờ các thị trường ồ ạt tăng nhập khẩu. Ví dụ như thị trường Mỹ trong giai đoạn đầu năm họ nhập khẩu rất mạnh, có thể do họ dự báo về tình hình tiêu thụ hoặc các vấn đề liên quan đến vốn..., nhờ vậy đã thúc đẩy tăng doanh cá tra mạnh hơn. Trong giai đoạn đó thị trường Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Từ đó làm cho doanh số chung của cá tra tăng lên mạnh mẽ”, Tổng thư ký VASEP nói.

Dù có giá trị gia tăng cao nhưng đến nay ngành cá tra vẫn xuất khẩu chủ yếu dạng phi lê đông lạnh và có rất ít sản phẩm được chế biến sâu, nên tỷ trọng các sản phẩm cá tra chế biến sâu trong cơ cấu sản phẩm chế biến hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, hiện tại cứ 10 sản phẩm cá tra được mang đi xuất khẩu đã có đến 9 sản phẩm thuộc dạng phi lê đông lạnh và chỉ có 1 sản phẩm được chế biến sâu.

Tín hiệu, định hướng và rào cản

Dù vậy, cũng đã có những tín hiệu dần dịch chuyển. Ghi nhận tại một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cho thấy chuỗi giá trị chế biến đang dần hình thành, kể cả sản phẩm chế biến chất lượng cao, cụ thể là tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đa Quốc gia (IDI) tỉnh An Giang.

Ông Trương Vĩnh Thành - Phó tổng giám đốc Công ty IDI cho biết, nhận thấy giá trị chế biến từ các phụ phẩm cá tra cao nên công ty đã đầu tư nhà máy và lắp ráp dây chuyền chế biến mỡ cá tra thành dầu ăn cho người. Trong đó riêng phần dầu đặc dùng làm nguyên liệu mỡ cho ngành thực phẩm cao cấp, ghi nhận doanh số xuất khẩu sản phẩm này đã tăng 30% so với năm trước.

“Hiện nay mỡ cá tra chế biến chiếm hơn 20% giá trị phụ phẩm từ cá tra. Riêng đối với sản phẩm dầu đặc công ty đang xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng rất tốt, bình quân mỡ cá thô nguyên liệu bán ra thị trường chỉ khoảng trên 20.000 đồng/kg, nhưng khi chúng tôi bán hàng đã qua chế biến thì giá bán tăng lên hơn 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 1,5 lần”, Phó tổng giám đốc Công ty IDI nói.

Để xuất khẩu thủy sản giảm bớt sự phụ thuộc vào các sản phẩm đông lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu thủy sản gắn liền với công tác xuất khẩu sẽ là giải pháp chiến lược của ngành hàng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng với những khó khăn và thách thức hiện nay ở một số thị trường xuất khẩu thì ngành thủy sản cần phải chú trọng đến các giải pháp: Một tăng cường chế biến sâu; hai là nguồn nguyên liệu phải truy xuất được nguồn gốc và thứ ba là xúc tiến thương mại với các thị trường một cách linh hoạt thông qua 17 FTA thế hệ mới. Đây chính là không gian rộng lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đáp ứng yêu cầu và đạt được mục tiêu của thị trường.

Còn theo Tổng thư ký VASEP, về mặt định hướng thì các doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cho các thị trường xuất khẩu trong năm 2023, với kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ ấm lại trong một khoảng thời gian nữa, và các doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực để theo đuổi chiến lược này.

Để tăng được tỷ trọng sản phẩm ngành cá tra chế biến sâu nói riêng và ngành thủy sản nói chung trong xuất khẩu theo giới chuyên gia, doanh nghiệp thủy sản sẽ cần vượt qua thách thức về công nghệ và cách tiếp cận thị trường nước ngoài, riêng với mặt hàng tôm để có được các chứng nhận chất lượng cũng là rào cản lớn hiện nay.

Bảo Ngọc (Theo Nhịp sống kinh doanh)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục