Giá cá tra tăng kỷ lục ở ĐBSCL: Cẩn trọng khi tăng diện tích nuôi ồ ạt

Nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) nuôi cá tra ở ĐBSCL cho hay, mặc dù giá cá tra đang tăng cao, nhưng vì nhiều lý do mà người nuôi cũng không thu được lãi nhiều. Nếu bây giờ mở rộng diện tích nuôi sẽ đối mặt nhiều rủi ro, thậm chí thua lỗ nếu lúc thu hoạch giá lại quay đầu giảm.

Người nuôi cá tra có lời, nhưng không nhiều

Trao đổi với phóng viên NTNN liên quan đến tình hình giá cá tra tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết, hiện nay ở khu vực quận Ô Môn, các thương lái và doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu với giá 33.000 đồng/kg. 

Theo ông Hải, đây là tín hiệu vui cho người nuôi cá tra trong thời điểm hiện tại.

"Với giá cá tra như hiện nay, nông dân được nhờ, tức là có lời. Cái lời ở đây chỉ đối với những hộ thả nuôi từ tháng 10/2021 do lúc này giá thức ăn nuôi cá mới tăng nhẹ, chứ không quá cao như hiện nay. Đối với những hộ nuôi cá đang đạt kích cỡ 300-400 gram/con vẫn đang lo, bởi khi cá đạt size, chưa chắc còn lời lãi vì giá thức ăn đội lên rất cao và không biết giá bán ra có được như hiện nay không?" - ông Hải chia sẻ.

Chế biến cá tra để xuất khẩu. Ảnh: P.V

Khác chỗ ông Hải, anh Chương Văn Khanh (tên thường gọi là Út Anh) ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ cho hay, giá cá tra hiện nay được thương lái và doanh nghiệp mua chỉ hơn mức 30.000 đồng/kg cá nguyên liệu đúng size, giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với trước lễ 30/4.

Anh Út Anh cho hay, mức giá trên đang giúp nhiều hộ có cá bán thu lời. Tuy nhiên, tiền lời thực tế không nhiều. Bởi vài năm qua, giá cá tra giảm, nhiều hộ đã bỏ ao hoặc giảm số ao nuôi xuống thấp.

"Sau 3 năm giá cá tra thấp liên tục, nhiều hộ nuôi cá đã yếu, đã mòn rồi, đa số nuôi cầm chừng, chứ không ai dám nuôi hết ao. Do vậy, chỉ có số ít ao có lời thời điểm này, phần nào đó gỡ được số tiền thua lỗ nhiều năm trước" - anh Út Anh tâm sự.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, người nuôi cá tra ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, nhiều năm qua, người dân thua lỗ rất nhiều từ con cá tra. 

Cũng vì lý do này mà bà con rất khó tiếp cận nguồn vốn, những hộ có điều kiện nhất ở huyện Châu Phú, Châu Thành tỉnh An Giang cũng bớt ao nuôi, không dám đương đầu với rủi ro.

Ông Tấn cho rằng, mặc dù hiện giá cá tra tăng cao nhưng người dân không còn cá bán, bởi phần lớn đã bán trước hết từ trước tết với giá 23.800 đồng/kg. Chỉ có các doanh nghiệp còn vùng nuôi (nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cố định giá thu mua từ đầu vụ nuôi) sẽ có lời.

Ông Ngô Văn Đậu (tên thường gọi Tám Đậu, ở ấp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) từng có 12ha nuôi cá tra nguyên liệu, xuất bán 2.000 tấn/năm, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, ông Đậu cho hay, giờ ông chỉ nuôi số lượng rất ít, không đáng kể tới. Hiện ông cũng không quan tâm chuyện giá cá tra tăng hay giảm.

Đừng để lặp lại bài học cũ

Giá cá tra tăng kỷ lục ở ĐBSCL: 	Cẩn trọng khi tăng diện tích nuôi - Ảnh 3.
Người dân quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thu hoạch cá tra. Ảnh:Huỳnh Xây

Theo ông Hải, nuôi con cá tra tốn rất nhiều thời gian (hơn 1 năm) và công đoạn, từ ươm dưỡng cá bố mẹ, làm cá bột, cá giống, nuôi cá thương phẩm...

"Để bán cá với giá hơn 1USD Mỹ/kg phải mất hơn 1 năm. Mức giá này nếu được giữ kéo dài thì quá tốt. Tuy nhiên, nếu giá quay đầu thì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không trụ nổi. Thời gian qua, con cá tra đã "giết" nhiều nông dân và doanh nghiệp lắm rồi" - ông Hải nói thêm.

Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An cho hay, giá thức ăn hiện nay tăng thêm 30% so với cuối năm 2021, cùng với các loại chi phí khác. Nếu thả cá tra giống nuôi từ bây giờ đến cuối năm (Tết âm lịch) bán thì chi phí nuôi tăng lên từ 29.000 - 30.000 đồng/kg. Do đó, với giá bán 33.000 đồng/kg thì người nuôi có lời, ngược lại giá cá quay đầu thì rất khó lời, thậm chí lỗ.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Hải, môi trường nước hiện nay ngày càng ô nhiễm, khiến người nuôi rất áp lực về đầu tư do bệnh trên cá ngày càng nhiều, khó trị, gia tăng chi phí. Ông Hải nhận định, vài năm nữa, không riêng cá tra mà còn nhiều loại thủy sản khác cũng sẽ gặp bất lợi về môi trường nước.

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, anh Út Anh cho hay, mặc dù đã thu hoạch xong đợt cá nguyên liệu vài tháng qua nhưng trước áp lực về giá thức ăn, ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là giá cá bán ra, anh vẫn chưa dám thả nuôi vụ mới.

"Tôi có 5ha mặt nước dùng để nuôi cá tra, 1 năm xuất từ 2.000 - 3.000 tấn. Do thấy thời gian tới không êm nên không dám thả nuôi, nếu lỗ thì không có đường gỡ. Con cá tra này không phải như vựa vàng, vựa lúa, cá lớn vừa đúng size theo yêu cầu doanh nghiệp, thương lái ngay thời điểm giá giảm không thể neo được. Nếu tiếp tục chờ giá tăng thì cá lớn quá size khó bán và đội chi phí thức ăn rất cao" - anh Út Anh nói.

Trước tình cảnh hiện nay, anh Út Anh đang dần chuyển hướng kinh doanh, dành 1 ít diện tích mặt nước để nuôi cá cá tra thịt làm mắm bán.

Ông Tấn ở An Giang thì cho hay, hiện nay nguồn nước rất khó khăn để nuôi cá tra. Do đó, nếu nuôi chạy theo giá bán hiện nay, không khéo sẽ bị thua lỗ do chi phí thuốc, thức ăn và con giống rất cao. "Đặc biệt nữa là giá cá thời gian tới còn giữ được hay không. Nói chung là rủi ro rất cao" - ông Tấn nói.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, giá cá tra nguyên liệu cỡ 0,7 - 0,8kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg, cỡ 1 - 1,2kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg. Mức giá này tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Giá cá tra tăng cao kỷ lục nguyên nhân chính là nhờ thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá cá xuất khẩu sang các thị trường chính tăng mạnh. Cụ thể, giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình đạt 3,2 - 3,4USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5USD/kg. Đây là giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. 

(Theo danviet.vn)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục