Giá cá tra sẽ bình ổn trở lại, chuyên gia khuyến cáo nông dân không ồ ạt thả nuôi

Trước cơn sốt cá tra, nhiều nông dân vay vốn, ồ ạt thả nuôi, chấp nhận giá con giống, thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Chủ tịch hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo nông dân cẩn trọng, có chiến lược thả nuôi phù hợp với cung - cầu, nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái diễn.

Theo phản ánh của người nuôi, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao nhưng nhiều hộ không còn cá để bán, theo VOV.

Ông Cao Lương Tri, nông dân ở tỉnh An Giang cho biết sở dĩ giá cá tra tăng nóng do đã hết chu kỳ giá cá ở mức thấp. Chu kỳ 3 năm này cũng lại đúng vào thời điểm bị ảnh hưởng dịch COVID-19, người nuôi cá tra bị lỗ nặng, nhiều người dân nuôi cá tra phải treo ao, dẫn đến nguồn cung thiếu.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Tấn (An Giang) cho rằng thời gian qua, người nông dân nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn như: khó tiếp cận nguồn vốn, giá thức ăn cho cá tăng cao, giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài…

Từ đó, nhiều người đã không nuôi vì không dám đương đầu với rủi ro, còn một số người có nuôi nhưng cũng giảm bớt diện tích.

Dù giá cá tra nguyên liệu tăng cao nhưng nông dân không được hưởng lợi nhiều vì cá đã bán hết từ trước Tết, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế, đón đầu làn sóng tăng giá.

Giá cá tra tăng nóng, nông dân cẩn trọng với 'vết xe đổ'   năm 2018 - Ảnh 1.
Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh nhưng nông dân ít được hưởng lợi. (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Giá cá tăng cao khiến người nuôi phấn khởi, ồ ạt thả nuôi. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải đối mặt rủi ro lớn.

"Khả năng sắp tới, người nông dân còn gặp khó khăn khi thấy giá cá lên, nhiều người sẽ nuôi lại, họ sẽ tìm nguồn vay, chấp nhận hơi cao; chấp nhận mua con giống đắt, thức ăn tăng giá… Rủi ro nữa là giá cá thời gian tới còn giữ được hay không", ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho rằng giá cá tra thương phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn, giá cá sẽ sớm bình ổn trở lại.

Để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không phải lo lắng về đầu ra. Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá.

Đồng thời, các địa phương cần có sự kiểm soát chặt diện tích ao nuôi, sản lượng nuôi…tránh tình trạng cung vượt cầu; nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái lập.

"Hiệp hội đã khuyến cáo, nếu ai muốn nuôi thì nên liên kết với doanh nghiệp, còn nếu nuôi tự phát thì sau này sẽ rất khó khăn. Bây giờ tuy rằng thị trường xuất khẩu tốt nhưng cần phải xúc tiến việc chế biến sâu, để giá trị hàng, để tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, cần xây dựng các hệ thống phân phối, nghiên cứu theo ẩm thực của từng vùng miền để đua con cá tra này vào việc phân phối nội địa", ông Quốc nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm khoảng 1.350 ha; trong đó diện tích mà doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết chiếm khoảng 87%. Sản lượng ước 400.000 - 500.000 tấn/năm.

Phương Linh (Theo Vietnambiz.vn)

 

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục