Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam đã có ít nhất 2 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sản xuất thịt, tôm, cua… bằng công nghệ tế bào.
Đi cùng doanh nghiệp lớn
Tại Báo cáo thường niên năm 2020, Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết, 2021 là năm đặt nền móng cho các khoản đầu tư kinh doanh chiến lược và quan trọng của Công ty, hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi mức định giá vào 5 năm tới.
Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Hoàn đã thực hiện 2 khoản đầu tư vào doanh nghiệp ở nước ngoài chuyên sản xuất các loại “thực phẩm của tương lai” là Avant Meats và Shiok Meats. Trong đó, Shiok Meats là công ty khởi nghiệp đầu tiên trên thế giới sản xuất các loại động vật giáp xác như tôm, cua, tôm hùm từ công nghệ nuôi cấy tế bào, được thành lập từ năm 2018. Còn Avant Meats (Hồng Kông) là công ty sản xuất cá, hải sâm… từ công nghệ tế bào.
Shiok Meats đã huy động 30 triệu USD vốn đầu tư, gồm cả lần gọi vốn gần nhất kết thúc cuối tháng 7/2021, với trị giá ước tính 18 triệu USD, có sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn ngành thực phẩm châu Á như Woowa Brothers (Hàn Quốc), CJ CheilJedang, Vĩnh Hoàn… Có thông tin cho rằng, Vĩnh Hoàn là nhà đầu tư dẫn dắt vòng rót vốn này, trong khi Giám đốc điều hành Công ty, bà Ngô Vi Tâm cho biết, họ chỉ cùng tham gia như các nhà đầu tư khác.
Trước đó, cuối năm 2020, HĐQT Vĩnh Hoàn thông qua việc thành lập Công ty Vinh Technology tại Singapore, để đầu tư, mở rộng cơ hội phát triển ở mảng công nghệ thực phẩm và thực phẩm chức năng. Cuối tháng 1/2021, trong bản tin nhà đầu tư, doanh nghiệp này thông tin về việc thông qua Vinh Technology để nắm giữ một lượng cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Avant Meats.
Bà Ngô Vi Tâm cho biết, Avant Meats mang đến cơ hội để doanh nghiệp này đa dạng hóa danh mục sản phẩm trong tương lai, nhằm cung cấp thêm sự lựa chọn, đáp ứng nhu cầu và xu hướng tiêu dùng mới.
Các quốc gia trọng điểm được Shiok Meats và Avant Meats nhắm đến để đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm thời gian tới đều là những thị trường nhập khẩu tiềm năng với các mặt hàng của Vĩnh Hoàn.
Tiềm năng còn ở thì tương lai
Chưa tròn một tháng sau khi Vĩnh Hoàn, Woowa Brothers, CJ CheilJedang… đầu tư vào, Shiok Meats công bố thương vụ mua lại Gaia Foods (Singapore) - công ty đầu tiên tại Đông Nam Á chuyên sản xuất thịt đỏ dựa trên công nghệ tế bào. Trong những bản tin cũ trên website nội bộ, Shiok Meats nói, họ sẽ bắt đầu thương mại hóa từ năm 2022.
Nhưng có thể diễn biến của đại dịch còn phức tạp, đặc biệt tại khu vực châu Á, nên trong lần gọi vốn gần nhất có sự tham gia của Vĩnh Hoàn, lãnh đạo Shiok Meats dự tính, năm 2023 là thời điểm muộn nhất để đưa các loài giáp xác được nuôi cấy ở phòng thí nghiệm của mình ra mắt tại Singapore. Nguồn vốn vừa gọi sẽ được dùng cho việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và xây dựng địa điểm sản xuất mới giúp giảm chi phí.
Tại một hội nghị trực tuyến được tổ chức hồi đầu tháng 7/2021, TS. Sandhya Sriram, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Shiok Meats cho biết, start-up này nhắm đến mục tiêu cung cấp thức ăn cho hàng tỷ người vào năm 2050.
Thị trường động vật giáp xác châu Á được ước tính đạt 150 tỷ USD đến năm 2025, trong đó khoảng 25 tỷ USD từ tôm. 70% lượng tôm được tiêu dùng trong thị trường này đến từ mô hình nuôi trồng, đánh bắt truyền thống. Nhưng đại dịch, biến đổi khí hậu… ngày càng đe doạ đến các trại nuôi, cơ sở chế biến và nguồn nguyên liệu cá, tôm dễ bị biến động.
Trong khi đó, sử dụng công nghệ dựa trên tế bào để sản xuất thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt vịt, gan ngỗng, cá ngừ, tôm, cua… được đánh giá là phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, tốt hơn cho sức khoẻ người dùng. Và Shiok Meats đang dẫn đầu và có lợi thế trong sản xuất tôm, cua bằng công nghệ sử dụng tế bào rồi phát triển trong phòng thí nghiệm.
Nhiều người đặt niềm tin vào tương lai của Shiok Meats, Avant, Eat Just, Israel Aleph Farms…, với các loại hải sản, thịt được nuôi cấy từ tế bào. Giống như thế giới đang đến gần với thịt có nguồn gốc từ thực vật, các loại thịt, cá được tạo ra từ phòng thí nghiệm đang trở thành xu hướng đầu tư.
Tuy vậy, GS. Amanda Little, làm việc tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho rằng, dù hứa hẹn đến đâu, thì thịt nuôi cấy từ tế bào sẽ bị hủy diệt nếu không được tiếp thị đúng cách. Đầu tiên, không nên gọi nó là “thịt trong phòng thí nghiệm”, mà có thể gọi là “thịt nuôi cấy” hoặc “nông nghiệp tế bào”. Và để thực sự thành công, sản phẩm này phải vượt qua 2 trở ngại lớn về giá cả và sự nghi ngờ của người tiêu dùng.
(Theo báo Đầu tư)