Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đồng loạt giảm trong tháng 8/2021

(vasep.com.vn) Sau nhiều tháng tăng trưởng liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8 đã sụt giảm so với cùng kỳ. Đây là kết quả trong dự tính sau khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt gần 49,4 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên tính luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021 giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường vẫn tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 470 triệu USD. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính của Việt Nam trong tháng 8/2021 đồng loạt giảm so với cùng kỳ.

Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đồng loạt giảm trong tháng 82021
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021

Mỹ: 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 203 triệu USD và 95 triệu USD. Trong đó, tháng 8 giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đột ngột giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện khối lượng cá ngừ đóng hộp NK vào Mỹ đã ổn định sau khi nhu cầu tăng bất thường trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái. Trong khi đó lượng tồn kho cá ngừ đóng hộp và loin cá ngừ hấp đông lạnh tại Mỹ trong những tháng đầu năm 2021 ở mức cao, điều này đã tác động tới nhập nhóm sản phẩm này của Mỹ trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, cá ngừ đóng hộp thường được bán theo giá FOB cho các nhà NK Mỹ, có nghĩa là người mua phải chịu trách nhiệm từ thời điểm hàng được xếp lên tàu vận chuyển tại cảng của nước XK. Do đó, các nhà NK Mỹ phải tự trả chi phí vận chuyển hiện đang ở mức “cắt cổ” cộng với chi phí cho mỗi tấn sản phẩm đang ở mức cao, điều này đã làm giảm nhu cầu của họ và tác động tới NK cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam.

Chú thích ảnh

EU: Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU sau một thời gian tăng trưởng ổn định đã sụt giảm trong tháng 8/2021, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng nhờ tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên tính luỹ kế 8 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu vẫn tăng 13,5%, đạt hơn 95 triệu USD. Trong số 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU, Tây Ban Nha là nước duy nhất có sự tăng NK từ Việt Nam, còn Italy và Đức giảm. Cũng giống như Mỹ, lượng tồn kho cá đóng hộp và loin cá ngừ hấp đông lạnh tại các nước EU ở mức cao đã làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này. Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển cao kỷ lục buộc các nhà sản xuất đồ hộp phải trì hoãn các hợp đồng và các lô hàng bán theo giá CFR càng nhiều càng tốt cho đến quý 3/2021 với hy vọng giá cước sẽ bình thường hoá trở lại. Những người mua hàng theo giá FOB cũng làm điều tương tự.

CPTPP: Là thị trường XK cá ngừ lớn thứ 3, mặc dù các DN cá ngừ của Việt Nam đã tích cực cố gắng đẩy mạnh XK sang thị trường này khi thị trường Mỹ và EU gặp khó, nhưng sau một thời gian tăng trưởng khả quan XK cá ngừ sang thị trường này cũng không tránh khỏi sụt giảm trong tháng 8. Giá trị XK cá ngừ sang khối thị trường này trong tháng 8 giảm 4,3%, đạt gần 7 triệu USD. Và nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu tốt trong những tháng trước nên tính luỹ kế 8 tháng đầu năm xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn tăng 12,3%, đạt gần 60 triệu USD. Trong số 4 thị trường NK nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối này, hiện chỉ có Mexico tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 8, còn XK sang các thị trường khác như Canada, Nhật Bản và Chile đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa được kiểm soát, việc triển khai tiêm vaccine cho người lao động và công nhân tại các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều nên cho tới nay nhiều nhà máy, KCN vẫn còn rào chốt, chưa đi vào hoạt động bình thường thì nhiều thị trường NK đã rộn ràng chuẩn bị tăng đơn hàng cho các dịp lễ hội lớn cuối năm. Nhìn thấy cơ hội này nhưng các DN thực hiện “3 tại chỗ” khó có thể đáp ứng được các đơn hàng do công suất đã giảm tối đa và thiếu lao động. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ chưa thể lạc quan.

Xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đồng loạt giảm trong tháng 82021
Top 10 doanh nghiệp XK cá ngừ của Việt Nam

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục