Xuất khẩu cá ngừ có tín hiệu hồi phục

(vasep.com.vn) Sau hai tháng sụt giảm liên tục do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 10 sau khi các địa phương nới lỏng và mở cửa trở lại để phục hồi sản xuất. Giá trị XK cá ngừ trong tháng 10 đạt 73 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Xuất khẩu cá ngừ có tín hiệu hồi phục
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có tín hiệu hồi phục

Tính đến hết tháng 10/2021, XK cá ngừ của cả nước đạt gần 594 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, GTXK cá ngừ tươi, đông lạnh và không đạt 336 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ. Còn XK cá ngừ chế biến và đóng hộp đạt 258 triệu USD, giảm 11%. Đáng chú ý, XK các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt là loin cá ngừ hấp đông lạnh, ngày càng tăng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã được xuất sang 94 thị trường trên thế giới. So với cùng ỳ năm 2020, thị trường XK cá ngừ của Việt Nam đang bị thu hẹp hơn.

Mỹ - EU

Tháng 10/2021, giá trị XK cá ngừ sang Mỹ sau 2 tháng sụt giảm liên tục đã tăng trở lại, tăng 20% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đạt 259 triệu USD, tăng 10%.

Trong khi đó, XK cá ngừ sang EU vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp. Giá trị XK sang khối thị trường này trong tháng 10/2021 giảm 9,4%, đạt 15,3 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nên tính đến hết tháng 10/2021, XK cá ngừ sang EU vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ, đạt hơn 121 triệu USD.

XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp sang hai thị trường tiếp tục sụt giảm. Trong khi đó, XK các nhóm sản phẩm như cá ngừ chế biến khác mã HS16, cá ngừ tươi, đông lạnh và khô tăng. Theo các DN, năm nay XK cá ngừ đóng hộp giảm vì nhiều thị trường như Mỹ, EU vẫn nhiều lượng hàng tồn kho ở mức cao. Bên cạnh đó, năm nay do ảnh hưởng của giá cước vận chuyển đường biển nên các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường bị giảm khả năng cạnh tranh tại các thị trường như Mỹ và EU. Nên mặc dù mùa lễ hội cuối năm đang đến gần và hạn ngạch ưu đãi thuế quan năm 2022 sắp mở lại nhưng các đơn hàng XK sang các thị trường này đang chậm hơn mọi năm.

Mexico và Israel

Mexico và Israel hiện đang là hai thị trường XK cá ngừ được trông đợi trong năm do nhu cầu gia tăng sau Covid-19. Trong tháng 10, XK cá ngừ sang 2 thị trường này tiếp tục gây chú ý khi tăng trưởng ở mức ba con số so với cùng kỳ, lần lượt là 446% và 358%.

Bên cạnh đó, XK cá ngừ sang thị trường Trung Quốc cũng đang tăng trưởng cao trở lại. Giá trị XK cá ngừ sang thị trường này trong tháng 10 tăng 85% so với cùng kỳ, đạt 338 nghìn USD.

Dự kiến, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu trong những tháng cuối năm tăng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, dòng người lao động từ Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ tự phát đi về quê hương khiến cho dịch bệnh có dấu hiệu tăng lên tại một số tỉnh. Trước tình hình đó, các DN chế biến, XK cá ngừ đang rất nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh và duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cho khách vào dịp lễ cuối năm.

Hiện tại, hoạt sản xuất chế biến cá ngừ đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới khi các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch được nhanh chóng triển khai và những biện pháp tháo gỡ đã tác động thực chất vào thực tiễn.

Mời Quý DN thủy sản tham gia khảo sát về khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid - 19

Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục