Tháng 9, xuất khẩu cá ngừ giảm 15%

(vasep.com.vn) Tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 9/2021 giảm 15% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 51 triệu USD.
Tháng 9 xuất khẩu cá ngừ giảm 15
Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 giảm 15%

Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, XK cá ngừ trong tháng 8 giảm 19%. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do tác động của từ sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam trong mấy tháng qua đã khiến hoạt động chế biến và XK của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn tiếp tục đồng loạt giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ đã cho phép các chuỗi dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại, điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu NK cá ngừ của Mỹ nhất là khi thị trường này đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, NK cá ngừ chế biến của Mỹ vẫn đang ở mức thấp, và có xu hướng giảm liên tục từ tháng 3 trở lại đây.

Còn tại EU, XK cá ngừ cũng giảm 25% trong tháng 9. XK sang cả 3 thị trường chính trong khối là Italy, Đức và Tây Ban Nha cũng đều sụt giảm trong tháng qua. Trong đó, XK sang Italy tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ. Hiện tại NK cá ngừ của EU đang ở mức thấp, đặc biệt là NK cá ngừ đóng hộp. Việc chi phí vận tải đường biển tăng và giá thép tăng cao đang khiến cho NK cá ngừ đóng hộp của Mỹ và EU khó có thể tăng trở lại.

XK cá ngừ sang CPTPP cũng giảm sâu hơn trong tháng 9, với giá trị kim ngạch trong tháng này giảm 28% so với cùng kỳ và hiện dừng ở mức gần 6 triệu USD. XK sang 4 thị trường lớn nhất trong khối là Canada, Nhật Bản, Mexico và Chile đều giảm.

Theo các doanh nghiệp, sự sụt giảm này là kết quả nằm trong dự đoán sau khi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, và rất nhiều nhà máy tại khu vực này đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất để thực hiện mô hình "3 tại chỗ".

Mặc dù, tính luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, XK cá ngừ của Việt Nam đạt gần 521 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng, sự tăng trưởng này là nhờ sự tăng trưởng XK trong những tháng đầu năm. Nhưng cho đến nay, một số khu công nghiệp ở miền Trung, Nam Trung bộ đã bắt đầu cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất sớm đang đối diện nhiều thách thức mới như đứt gãy chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu khó khăn, thiếu hụt nguồn lao động…

Hiện các nước đang dần mở cửa trở lại, nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Canada,… những tháng cuối năm sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp cũng sẽ phải chuẩn bị cho các lô hàng xuất khẩu vào đầu năm sau để đón đầu các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định.

Do vậy, rất cần ưu tiên và đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho công nhân, nhân viên ở các nhà máy chế biến, khu công nghiệp để chuỗi sản xuất không bị gián đoạn.

Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục