(vasep.com.vn) Tháng 3/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết bởi 11 thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định này đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Hầu hết các thị trường này không phải là thị trường lớn đối với cá ngừ Việt Nam nên khả năng đem lại sự đột phá cho XK là tương đối nhỏ.
Trong đó số 7 nước đã phê chuẩn hiệp định CPTPP, Nhật Bản, Canada và Mexico là 3 thị trường hiện đang nằm trong tốp 10 thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, còn lại các thị trường khác đều đang NK rất ít cá ngừ của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang các nước trong CPTPP chiếm 12% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong năm 2018.
Theo cam kết, các nước tham gia CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Cụ thể, đối với các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam XK sang các nước CPTPP như sau :
Australia: Thuế áp cho các sản phẩm cá ngừ sẽ giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (thuế cơ bản vốn là 0% trừ cá ngừ sọc dưa chế biến HS160414 giảm từ 5% xuống 0%)
Canada: Thuế áp cho các phẩm cá ngừ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (thuế cơ bản vốn là 0%)
Chile: Thuế áp cho các sản phẩm cá ngừ đều được giảm từ 6% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực
Mexico: Thuế áp cho các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam sẽ được giảm thuế theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Ngoài ra, các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp mã HS 16 sẽ giảm thuế theo lộ trình 16 năm, trong đó sẽ giữ ở mức thuế cơ sở 20% từ năm thứ nhất đến năm thứ 5 và sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong 11 năm kể từ năm thứ 6, và hàng hóa đó sẽ được miễn thuế kể từ ngày 01/01 năm thứ 16.
New Zealand: Thuế áp cho các sản phẩm cá ngừ sẽ giảm về 0% ngay.
Nhật Bản: Thuế áp cho các sản phẩm cá ngừ (trừ cá ngừ mắt to) dạng tươi sống, đông lạnh và đóng hộp (trừ thăn/philê cá ngừ mã HS030487) giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiêu lực. Riêng cá ngừ mắt to mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ trong giai đoạn 11 năm bắt đầu từ ngày Hiệp định này có hiệu lực với Nhật Bản, và sẽ được miễn thuế từ ngày 1 tháng 4 của năm thứ 11. Các sản phẩm thăn/philê cá ngừ mã HS030487 mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ hàng năm trong giai đoạn 8 năm bắt đầu từ ngày Hiệp định này có hiệu lực với Nhật Bản, các hàng hóa đó sẽ được miễn thuế kể từ ngày 1 tháng 4 của năm thứ 8.
Như vậy, nhìn chung khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản, Mexico và Chile có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, thị trường mặc dù đã mở nhưng cạnh tranh cao. Nếu DN không chủ động thì cũng không tận dụng được. Bên cạnh đó, các thị trường như Nhật Bản, Mexico cũng đang là những nước mà ngành khai thác và nuôi cá ngừ trong nước rất phát triển, thị phần cho các sản phẩm cá ngừ NK sẽ không nhiều.