(vasep.com.vn) Ngày cuối hạn cách ly xã hội hiệp hai, trên đường tôi thấy nhiều quán cà phê lớn đang rửa sân, dọn bàn... Quán bia cũng mở rộng cửa như là lời thông báo... dù bên trong còn yên ắng.
Sáng hôm sau, bộ mặt đường phố có thêm chút sinh khí. Đi ngang qua chỗ cũ, quán cà phê khách thưa thớt, không ồn ào. Chiều, quán bia vắng vẻ. Non tháng, thói quen mới đã thành thói quen rồi! Nếp sống chậm khiến người ta như trở mình chậm một chút. Tôi điện thoại người hớt tóc, đang rảnh nhưng ở quán mới. Covid-19 khiến tiết kiệm một lần hớt tóc. Mà tóc dài, nực nội, tốn dầu gội còn hơn. Tôi tới nơi, thoải mái, hỏi chuyện. Covid không hẹn hồi kết, bên chính quyền phường yêu cầu tạm nghỉ, chủ nhà cho thuê chỗ cắt tóc không bớt đồng nào, bạn làm chung xin ứng chút tiền trang trải lúc khó khăn. Kẹt quá, anh ta trả quán, xin làm công quán khác, hôm nay mới bắt đầu! Một nạn nhân covid đây rồi!
Covid khiến 3 vạn dân Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. Con số đơn giản đã huỷ hoại toàn bộ nỗ lực của Chính phủ Mỹ hơn 3 năm qua. Hơn nữa, Covid làm hơn 3 triệu người nhiễm bệnh, trên 2 vạn người thiệt mạng trên toàn thế giới. Uy lực Covid lớn lao đến nỗi chưa đo đếm đúng nổi. Người Việt may mắn, không gánh nặng quá mức sự âu lo vì được Chính phủ và cả hệ thống chính trị chăm lo chu đáo. Tuy vậy, hoàn cảnh không như nhau. Cũng vài triệu dân ta đang rơi hoàn cảnh bấp bênh vì không thu nhập hoặc giảm thu nhập. Gói hỗ trợ gần 3 tỷ USD được đưa về hy vọng ít nhiều giúp đỡ kịp lúc. Nhiều ngành kinh tế tê liệt do hoàn cảnh chung như: du lịch, lưu trú, nhà hàng, vận chuyển hành khách... Có ngành nỗ lực tìm cơ trong nguy như ngành may mặc hết đơn hàng xoay qua may khẩu trang, bảo hộ lao động. Có ngành hưởng lợi lớn từ Covid như: mì gói, nước tương, nước mắm...
Trong cái khó chung, sự vạ lây không tránh khỏi, đâu cần bàn. Hoan nghênh những ngành biết tự xoay sở để duy trì hoạt động, đợi cơ hội vươn lên. Có ngành đã thu lợi rất tốt nhưng chưa thỏa đáng lắm trong giai đoạn này. Dẫn chứng như ngành chăn nuôi heo. Dù trên chục nhà chăn nuôi heo lớn nhất ngành đã cam kết với Chính phủ đưa giá giảm như yêu cầu. Nhưng trên thị trường lại trái ngược. Truyền thông cho rằng khâu trung gian ăn mạnh quá. Người tiêu dùng, do thói quen quá lâu, cả đời, thành quán tính khó đổi, chấp nhận mua phần thịt teo tóp còn hơn một nửa so trước khi có dịch tả heo châu Phi khi bỏ ra cùng chi phí. Ai “tranh thủ” được “quán tính”; móc túi, bóp bụng người tiêu dùng?
Các nhà chăn nuôi có biện luận là giai đoạn này nuôi phải tốn thêm chi phí phòng dịch nên giá thành tăng. Còn khâu trung gian không hình bóng! Chỉ biết, 2 ngày qua, trên các phương tiện truyền thông “khoe” lãi khủng của các cơ sở chăn nuôi heo lớn hàng đầu. Nghe mà sao thấy phản cảm. Ngồi trên ghế hớt tóc, nghe tay hớt tóc “khóc” với giá thịt heo, tôi chợt có suy nghĩ tại sao người tiêu dùng không bắt tay nhau bảo vệ quyền lợi của mình. Giải pháp đơn giản lắm. Phát động một tháng nói không với thịt heo. Kiêng ăn thịt để thanh lọc cơ thể luôn, một công hai việc. Hoặc kiêng ăn thịt chuyển qua ăn các loại thịt khác, trứng, cá... cũng đầy đủ dinh dưỡng. Mà các nguồn thực phẩm kia giá đang rẻ, thậm chí rất rẻ. Việc này có thể mượn mạng xã hội để “rủ” nhau, đâu có vi phạm luật pháp, chỉ muốn trở thành người tiêu dùng biết tự bảo vệ mình.
Một tháng nói không với thịt heo, giúp giảm mức độ thiếu hụt thịt heo 5% như một Bộ trưởng thông báo; giúp giá thịt heo bình ổn trở lại theo cân đối cung cầu; giúp Chính phủ bớt âu lo về chất lượng bữa ăn người dân thu nhập trung bình và góp phần giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trở về đúng bản chất. Ây cha, đây là một “sáng kiến” đáng kể, chớ đâu phải chuyện chơi! Tay hớt tóc ủng hộ quá chừng!
Tôi trên ghế đã nửa tiếng, quán hớt tóc vẫn chưa có thêm khách. Hai quán kế bên cũng im ắng. So với các tiên đoán hoàn toàn trái ngược. Chắc tỉnh lẻ tôi sống chậm, phản ứng chậm hay tại chiều nắng nóng, lười ra ngoài. Chắc mỗi cái đúng một chút. Hết bàn thịt, tới gạo. Hơn 2 tháng dịch giá gạo bình ổn, chút tăng giá không đáng kể. Giá gạo bình ổn nhờ trúng mùa cả nước. Trúng mùa nhờ trời sinh cô Covid, cất bớt chú sâu rầy! Hớt cái đầu mua được năm ký gạo bình dân, đâu sợ đói. Cái khác ở ta là nghèo cỡ nào cũng chưa đói chết, chết do bệnh tật nhiều hơn. Dân ta có đức tính rất nhân văn lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn! Hảy đếm số cây ATM gạo đang lây lan và số người làm thiện nguyện cả nước trong lúc khó khăn này để thấy câu tục ngữ trên mang giá trị bao la.
… Sáng nay, qua thời gian dài ở nhà, ra quán cà phê với bạn cũ. Câu đầu tiên là chúc mừng trông ai cũng khỏe ra. Chắc nhở cách ly ở nhà tránh xa bia rượu, sức khỏe phục hồi. Covid có mặt lợi đây rồi! Ai cũng giành trả tiền vì đều cẩm thấy mất cảm giác này khá lâu! Câu chuyện bên ly trà không gì mới mẻ. Cách ly ở nhà ít việc, thời gian trống dồn cho việc theo dõi thời sự. Ở nhà, ít dịp được nói! Tại quán nói bù, nên khá rôm rả, dù tiếng nói bị “lọc” bởi khẩu trang. Thời sự “đinh” nhất là vụ “gạo nếp, gạo tẻ”, coi đây như là bộ phim hành động nhiều tập nhưng mỗi tập rất ngắn. Bộ phim này có những điểm nổi cộm như:
+ Việc kiểm tra tình hình sản xuất lúa rồi mới có đề xuất ngưng xuất khẩu gạo, đáng lẻ như vậy nhưng trong phim làm ngược lại. Việc này là biến việc đơn giản thành phức tạp, tạo một cú sốc về cảm xúc, tạo một đột phá trong xử lý công việc. Chỉ ai có đầu óc độc, bất thường mới có suy nghĩ và hành động như vậy!
+ Bộ máy công quyền mình trẻ hóa rất rõ nét. Chúng tỏ là có nhiều người vai vế kha khá nhưng thể hiện bên ngoài rất ngây thơ. Tổng cục Phó TCHQ xin ghi nhận góp ý chuyện đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo trở lại ngày 12/4 là chuyện lớn, tốt hơn nên báo trước để các DN gạo chuẩn bị. Còn Tổng cục trưởng nói rằng mở tờ khai nửa đêm không báo trước là chuyện bình thường. Còn có Bộ có công văn khẩn hỏi Bộ bạn là gạo nếp có trong dự trữ quốc gia hay không. Việc này có ghi trong Nghị định 94/2013 quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ quốc gia. Chỉ mở ra đọc, mắc mớ phải đánh cái giấy hỏa tốc, rồi lên báo nữa, tốn công và lãng phí thời gian! Có Bộ còn cho rằng mua đủ lương thực dự trữ bảo đảm an ninh lương thực rồi mới cho phép xuất khẩu. Mà mua gạo dự trữ giá không thỏa đáng với tình hình thị trường. Nếu dẫn đến chậm mua đủ gạo dự trữ, há lẽ để lúa gạo ùn ứ, trong khi vụ hè thu sát bên. Đây thêm một vụ ngây thơ hay đầu óc còn tư tưởng áp đặt, ngăn sông cấm chợ.
+ Bộ phim này quá nhiều tình tiết bất ngờ, dẫn dắt cảm xúc khán giả từ bức xúc, bực bội tới thở phào, nhẹ người. Rồi lại trầm ngâm, ưu tư, thậm chí…có lúc muốn chửi thề! Nó đã là một sự thư giãn đáng kể cho những ngày nằm nhà, thở dài vì thiếu việc làm, mất thu nhập, đang lo… Cái ghi nhận là phần kết bộ phim có hậu, khi có thông báo sẽ thanh tra toàn diện việc này. Tự dưng ai cũng thấy chút vui vui! Vui hơn nữa, khi Lãnh đạo cao nhất xuất hiện tuyên bố nhờ toàn dân đồng lòng, sắp hết dịch, trở lại hoạt động bình thường, có việc bán gạo ra nước ngoài, không kể nếp hay tẻ. Các bạn tôi như có chút hả hê khi nói điều này như có niềm vui chợt tới trong suy nghĩ.
+ Bộ phim sẽ được đón nhận một cách ồn ào hơn, hồ hởi hơn nếu sớm có kết quả thanh tra, sớm có thống kê thiệt hại do chi phí phát sinh của các DN gạo trong quá trình chờ đợi sự ổn thỏa. Có DN gạo nào rơi vào quá khó khăn từ vụ việc này không và nhất là kết quả xử lý cá nhân, tổ chức liên quan…TBT đang đau đáu lo cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội sắp tới. Bởi nhân sự được chuẩn bị tốt là cái phước của nhân dân. Chuyện gạo hôm nay sẽ là một lưu ý cho cách xây dựng tiêu chí tuyển chọn, có phải?
Bạn tôi, sắp trở thành các “nhà bình luận” rồi, mỗi người một ý, một góc độ. Có lúc nói hăng quá, có bạn đã vung tay, bóp trán... như là bài tập thể dục nhẹ bù cho lúc có chút tù túng của mình. Tôi là người chép lại, sắp xếp cho dễ đọc. Cái mong muốn là đừng có thêm những bộ phim tương tự. Bởi việc “gạo nếp gạo tẻ” xảy ra bất ngờ, ít nhiều làm tổn thương lòng tin của thương nhân gạo nói riêng, thương nhân nói chung. Mà còn gây ra nỗi buồn man mát cho hàng triệu nông dân, nhất là nông dân Nam bộ. Cũng may, nông dân mình hiền lành, chất phác lắm; quen rồi các khó khăn cứ chồng chất lên người. Đó là điều Thủ tướng Chính phủ không muốn để xảy ra. Bù lại, sau khi có thanh tra, nếu rõ ràng, phải xử lý mạnh tay mới có thể vãn hồi như trước. Tôi chợt nhớ phát biểu của TS Đặng Kim Sơn là an ninh lương thực được đảm bảo chủ yếu không phải bằng các biện pháp giới hạn xuất khẩu mà phải bằng thúc đẩy sản xuất. Càng mở cửa xuất khẩu gạo thì nông dân càng gia tăng sản xuất… mà thấm thía.
… Sáng ngày cuối tháng 4 (30/4), tỉnh lỵ quê tôi nắng thật trong lành và gió khá mạnh, tạo cảm giác khoan khoái vô cùng. Như thiên nhiên đang báo hiệu tin mừng, Covid đang đi qua. Tốt nhất là đi luôn, đừng ngoảnh lại! Tín hiệu này không do tự nhiên; phần lớn từ quyết tâm, nỗ lực cả nước. Dĩ nhiên đáng để trân trọng nhất là lãnh đạo cao nhất đã có tầm nhìn đúng, đề ra cả tiến trình phòng chống Covid hiệu quả. Tháng 5 này, nước ta hết dịch. Không gian sáng nay, tin là hình tượng đầy lạc quan cho quảng đường sắp tới, cả nước sẽ có sức bật mới mạnh mẽ hơn, bù đắp cho những chậm trễ vì dịch thời gian qua.
TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN