Đại hội toàn thể VASEP đã diễn ra ngày đông chí 22/12/2020, như là một thông điệp cho biết ngành thủy sản Việt đang nỗ lực rũ bỏ cái cũ, vươn lên những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn trong nhiệm kỳ tới, trong chiến lược mới.
Kỳ vọng là như vậy, nhưng xem xét hai mặt hàng chủ lực của thủy sản xuất khẩu hiện nay là cá tra và tôm lại có hoàn cảnh không như nhau. Cá tra đang đứng trước khó khăn ngày càng lớn do sự cạnh tranh từ cá minh thái đang ổn định sản lượng tự nhiên mức cao kéo dài chục năm qua; do sản lượng cá tra nuôi các nước Ấn Độ, Indonesia, Bangadesh, Trung Quốc ngày càng nhiều, dù tất cả nước này nuôi cá tra là để tập trung cung ứng tiêu thụ trong nước. Ai biết ngày sau, khi lượng nuôi tăng, họ có thể tranh giành thị trường tiêu thụ trên thế giới!?
Ngành tôm lại đứng trước thời cơ vàng tăng trưởng, khi các cường quốc tôm đối thủ đang bị covid-19 tác động khiến sản lượng tôm nuôi sụt giảm trong lúc các mắt xích trong chuỗi giá trị tôm Việt lại linh hoạt các hình thức hợp tác, từ đó tạo sự động viên không nhỏ để người nuôi tiếp tục, thậm chí phát triển ao nuôi của mình.
Cho nên, chào năm 2021 đầy mới mẻ, mới mẻ này không hẳn là yếu tố tích cực! Tuy nhiên, người Việt có đức tính rất tốt, rất quý giá là lúc gian nan lớn lao cận kề lại là lúc thúc đẩy ý chí quyết tâm cũng như sự mưu trí, linh hoạt, tháo vát để vượt qua hiểm nghèo. Nói thi vị một chút lấy hai câu thơ tiền nhân làm dẫn dụ:
“Bốn mùa ví những xuân đi cả
Góc núi ai hay sức lão tùng…”
Ngành cá sẽ biết mình cần làm gì. Phải biết mình biết người mới có thể vượt lên. Những thông tin về cá minh thái tương đồng khai thác tự nhiên ra sao, các nước nuôi cá tra sẽ có sản lượng ra sao. Diễn biến Covid-19 tác động ra sao, thương chiến Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao. Biết bao ẩn số, biến số… cần giải. Đó là bài toán cung cầu để tính toán lại phần mình, nuôi bao nhiêu diện tích, năng suất và sản lượng phù hợp, nghiên cứu chế biến sâu để khuyến khích người tiêu dùng, tận dụng tốt nhất phụ phẩm để giảm giá thành sản phẩm chính, quan tâm thị trường nội địa không nhỏ… Bao năm bôn ba, bao trải nghiệm lẫn thấm thía…các doanh nhân cá sẽ chắc chắn biết làm gì, biết cần hợp tác gì trong VASEP để có chiến lược, sách lược gì để cá tra ta tiếp tục rong bơi trên trăm quốc gia trên thế giới!
So với ngành cá thì ngành tôm năm nay chắc “nhẹ thở” hơn. Chắc chắn tình hình nuôi tôm 2021 sẽ tiến triển mạnh qua các mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm vì đã có nhiều giải pháp linh hoạt hợp tác, tình hình thị trường sẽ rộng mở hơn do các đối thủ đang gặp khó khăn bởi Covid-19. Cái quan tâm là nhu cầu lao động để đáp ứng tăng trưởng sản lượng tôm xuất khẩu. Các doanh nghiệp tôm đang lo ứng dụng và trang bị các máy móc, thiết bị hỗ trợ tăng năng suất lao động để khắc phục điểm bất lợi này.
Tổng quan, dù khách quan hay chủ quan, năm 2021 ngành thủy sản hứa hẹn nhiều mới mẻ, dù thuận lợi hay bất lợi.
Ứng xử cho cá tra đã nêu trên, riêng con tôm dù thuận lợi nhưng kèm theo không ít tồn đọng cần sớm khắc phục như: công tác đánh mã số vùng nuôi, ao nuôi nhằm tăng sự minh bạch, thuyết phục khách hàng, thuận lợi tăng quy mô tiêu thụ; như việc rất cần nhiều trang trại nuôi tôm đạt chuẩn nuôi quốc tế khách hàng đòi hỏi như BAP, ASC nhằm đủ điều kiện để tôm Việt lên kệ các hệ thống tiêu thụ cao cấp có giá tiêu thụ tốt hơn. Qua đó nhà chế biến có khả năng chia sẻ với người nuôi thông qua giá mua tôm, cùng nhau nâng tầm tôm Việt. Tuy nhiên, để có nhiều trang trại nuôi tôm quy mô hàng trăm hécta, cần xem lại quy định hạn điền đang quá thấp, đang như vòng kim cô ngăn chặn tổ chức sản xuất quy mô lớn…
Tóm lại, nhìn về năm 2021; tuy còn nhiều ẩn số, biến số; nhưng ngành thủy sản chế biến đông lạnh xuất khẩu Việt, chủ yếu là tôm và cá tra vẫn còn nhiều dư địa, thời cơ vượt lên, nhất là tôm. Còn lại là sự chủ quan, sự nhất trí đồng lòng của cả ngành từ cơ quan chức năng quản lý đến từng mắt xích trong chuỗi giá trị con tôm, con cá. Tựu chung, sự lạc quan vẫn là ưu thế. Đó là niềm tin, là năng lượng để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bước vào năm mới lạc quan, cởi mở hơn trong hợp tác và phối hợp với VASEP để có kết quả tốt nhất.
TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN