VASEP góp ý thêm cho dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 26 về kiểm dịch

Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch

VASEP đề nghị, dự thảo sửa đổi điểm c vào khoản 3 Điều 14 của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/ 2018/TT-BNNPTNT ngày 31/1/2018) về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch như sau: “Đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài trong thời gian  360 ngày (thay vì 60 ngày) kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu, nếu chủ hàng có khai báo kiểm dịch sửa đổi, bổ sung theo phân loại sản phẩm, theo thị trường xuất khẩu, Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nơi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu lần đầu thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu thay thế Giấy chứng nhận đã cấp.

Việc khai báo sửa đổi, bổ sung theo phân loại sản phẩm, thị trường xuất khẩu phải bảo đảm phải đúng nguồn gốc và đúng số lượng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu lần đầu”.

Hiện nay, quy định thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch 60 ngày là chưa hợp  lý. Bởi vì thông thường  shelflife của  nguyên liệu thủy sản đông lạnh tối thiểu là 01 năm (theo Tiêu chuẩn Codex cũng là 01 năm) và trên chứng từ nhập hàng, nhãn mác hạn sử dụng tối thiểu  cũng là 01 năm. Trong khi đó, thời hạn của  Giấy chứng nhận chỉ có 60 ngày nên nhiều trường hợp khi doanh nghiệp đi xin Giấy xác nhận nguyên liệu nhập khẩu thì Giấy Chứng nhận Kiểm dịch đã hết hiệu lực.  

Kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu

VASEP đề nghị Dự thảo bổ sung thêm quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 14 của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT:Đối với hàng xá, hàng nhập bằng container dạng block trần không có bao bì thì không yêu cầu dán nhãn trên thùng/container mà chủ hàng nộp chung nhãn trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu. Cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu sẽ kiểm tra thông tin ghi nhãn đối với nhãn trong hồ sơ”.

Do trong thực tế, nguyên liệu nhập khẩu là cá đánh bắt tự nhiên, được bảo quản lạnh và nhập về dưới dạng nguyên con đông block trần hoặc đóng xá xếp trong container lạnh - không có bao bì. Việc dán nhãn trên từng block cá trần đông lạnh hoặc trên từng con cá là không thể thực hiện được. Đây là đặc thù của ngành hàng mà các doanh nghiệp từ trước đến nay đều có nhập khẩu theo dạng này.

Sau khi nhận được Công văn số 114/2018/CV-VASEP của VASEP ngày 14/8/2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có Công văn số 2383/TĐC-QLCL ngày 23/8/2018 hướng dẫn giải quyết  vướng mắc đối với bất cập nói trên. Theo đó đối với hàng hóa nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất dưới dạng đóng xá hoặc block trần trong container thì coi container là bao bì thương phẩm và chỉ cần một nhãn duy nhất, không bắt buộc phải ghi nhãn cho từng xá hàng hoặc block trần.

Tuy nhiên, các cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu đang yêu cầu các chủ hàng phải dán nhãn này trên container hàng.

Yêu cầu này không phù hợp với thực tế của mặt hàng nguyên liệu thủy sản là do nếu dán nhãn bên trong container thì trong quá trình chạy lạnh của container sẽ có giai đoạn xả tuyết, do đó làm ẩm tờ nhãn mác khiến nhãn bị bung ra hoặc dễ rách nát.

Nếu dán nhãn bên ngoài container, các va đập cơ học trong quá trình vận chuyển  container cũng như ảnh hưởng của mưa nắng cũng dễ khiến tờ nhãn mác bị rách nát, bung ra.

Một container có thể chứa nhiều loại cá, size cỡ khác nhau, nếu mỗi loại cá dán 1 nhãn lên container thì cũng khó phân biệt nhãn tương ứng với loại hàng hóa nào dễ gây nhầm lẫn thông tin.

Hơn nữa, thực chất, các thông tin yêu cầu thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định như: Tên sản phẩm, xuất xứ, nhà sản xuất,… đã có thể hiện trong hồ nhập khẩu. Hơn nữa, nguyên liệu cá ngừ là loại hàng hóa đặc thù, cá ngừ được đánh bắt từ tàu khai thác sau đó cập cảng gần nhất và chuyển cá ngừ vô container xuất khẩu đi các nước nên chứng từ duy nhất để thể hiện nguồn gốc lô hàng là Captain’s Statement. Theo thông lệ quốc tế về khai thác, đánh bắt và xuất khẩu cá ngừ cũng chỉ yêu cầu duy nhất Captain’s Statement nên chắc chắn một điều rằng không có nhà cung cấp nào đáp ứng được việc ghi nhãn cho nguyên liệu cá ngừ đổ xá.

Trong thời gian chờ Bộ KH&CN sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017, VASEP đề nghị Ban soạn thảo không yêu cầu dán nhãn này trên container của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dưới dạng hàng xá hay block trần mà chỉ yêu cầu nộp nhãn này trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch.

Ngoài ra, VASEP cũng góp ý một số ý kiến liên quan đến hoạt động kiểm dịch như: yêu cầu phải có HC đối với nguyên liệu NK có hoạt động chuyển tải tại cảng trung gian của một quốc gia khác, bất cập về chênh lệch khối lượng nguyên liệu giữa H/C và C/C, về các mẫu H/C của các nước.

Yêu cầu phải có HC đối với nguyên liệu NK có hoạt động chuyển tải tại cảng trung gian của một quốc gia khác:

Trong nhiều trường hợp, các tàu vận chuyển nguyên liệu thủy sản cập cảng tại một nước trung gian khác sau đó thủy sản được phân phối vào các container, vận chuyển bằng container bán cho các thị trường, trong đó có Việt Nam. DN Việt Nam nhập hàng từ container trong trường hợp này có thể coi là mua nguyên liệu đánh bắt trực tiếp.

Hiện nay, Cục Thú y vẫn đang yêu cầu DN phải nộp H/C cho các lô hàng này. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền tại nước trung gian nơi tàu cập cảng không cấp H/C đối với mặt hàng chuyển tiếp trung gian (do tàu vận chuyển không phải tàu của quốc gia này, lô nguyên liệu cũng không được đánh bắt, sơ chế, xử lý tại nước của họ và thực tế nguyên liệu này không được nhập khẩu vào quốc gia họ mà chỉ chuyển từ tàu vào container rồi chuyển thẳng về nước nhập khẩu).

VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét đối với các lô nguyên liệu NK từ hoạt động chuyển tải tại cảng trung gian của một quốc gia khác cũng được xem như là nhập khẩu trực tiếp từ tàu đánh bắt.

Về chênh lệch khối lượng nguyên liệu giữa H/C và C/C:

DN gặp trường hợp khi nhập hàng, trên H/C và C/C đã có ghi rõ số lượng hàng. Tuy nhiên, con số thực tế (thực nhập sau phân size, cân) khi nhận về lại bị chênh lệch. Nếu DN điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thì sẽ gặp vướng mắc với NAFIQAD khi làm H/C hàng xuất, nếu DN không điều chỉnh thì sẽ gặp khó khăn với Cơ quan Hải quan khi thông quan. Hiện nay, Cục Thú y vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về vấn đề này.

VASEP đề nghị Cục Thú y xem xét sớm ban hành văn bản hướng dẫn về vấn đề này để các bên có liên quan thực hiện đúng và thống nhất.

Về các mẫu H/C của các nước:

Hiện tại, mỗi nước khi XK đều có một mẫu HC riêng trong khi các DN và các bên liên quan không nắm rõ hết được các mẫu HC của tất cả các nước. Hiệp hội và DN thủy sản đề nghị Cục Thú y cần công bố các mẫu H/C của các nước để thuận tiện cho DN trong quá trình mua bán, XNK và làm thủ tục kiểm dịch NK.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM