VASEP góp ý Dự thảo Chương trình kiểm soát ATTP thủy sản XK sang EU

(vasep.com.vn) Sau khi nhận được công văn số 909/CCPT-ATTP ngày 28/09/2023 của Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường về việc góp ý Dự thảo "Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU" (viết tắt là Dự thảo), trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội VASEP đã phát hành công văn số 88/CV-VASEP ngày 16/10/2023 về một số góp ý và đề xuất, kiến nghị về vấn đề này.

Chú thích ảnh

Về góp ý chung, Hiệp hội nhất trí với việc cần thiết ban hành "Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)" để phù hợp với các quy định liên quan hiện hành của EU và Việt Nam, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, đồng thời khắc phục các khuyến cáo đã được Đoàn thanh tra EU phát hiện trong chuyến thanh tra tháng 6/2023 đối với hệ thống kiểm soát trong toàn chuỗi cũng như phù hợp với điều kiện thực tế trong thực thi.

Các quy định tại Phần II, IV, V, VI và VII nên tách biệt thành 2 mục riêng: Mục I đưa ra các quy định đối với nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt trong nước và Mục II đưa ra các quy định đối với nguyên liệu nhập khẩu để đảm bảo các yêu cầu đưa ra phù hợp với từng dòng nguyên liệu, đồng thời đảm bảo tính tương thích với Mục X về kiểm soát tại công đoạn xuất khẩu (đã tách biệt các yêu cầu đối với 2 dòng hàng nói trên).

Về góp ý chi tiết, có một số nội dung nổi bật trong công văn 88 của VASEP gửi NAFIQPM như:

Bổ sung thêm các quy định cụ thể về các loại hồ sơ lưu trữ mà cơ sở nuôi của mỗi loại hình nuôi cần lưu trữ. Vì tùy theo loại hình nuôi mà các cơ sở nuôi sẽ có sự khác nhau về phương thức nuôi, độ rủi ro về ATVSTP dẫn đến các hồ sơ liên quan phải được lưu trữ cũng khác nhau, trong đó đối với các cơ sở/hộ nuôi công nghiệp, hồ sơ cần lưu trữ sẽ phải yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn các cơ sở/hộ nuôi quảng canh.

Loại bỏ tàu bảo quản đông lạnh nguyên liệu thủy sản cho chế biến ra khỏi đối tượng phải được EU phê duyệt, chỉ cần cơ quan có thẩm quyền của các tỉnh, thành phố thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với tàu trong nước. Tàu nước ngoài vận chuyển nguyên liệu NK chỉ cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP của cơ quan có thẩm quyền của nước treo cờ cấp.

Bổ sung thêm một nội dung về quy định không bắt buộc áp dụng QCVN 02- 10:2009/BNNPTNT và phải có EU code đối với hình thức thu mua trực tiếp tại cơ sở nuôi/cảng cá và vận chuyển trực tiếp về cơ sở chế biến, không bảo quản, sơ chế tại cơ sở thu mua.

Đề nghị quy định EU không cần công nhận mà để NAFIQPM hoặc các cơ quan có thẩm quyền của các tỉnh, thành phố đánh giá và công nhận các cơ sở trước chế biến trong chuỗi cung ứng thủy sản của Việt Nam đạt yêu cầu của EU về VSATTP (cơ sở thu mua, chợ đầu mối, cảng cá).

Xem xét bổ sung vào Phần này quy định phạm vi áp dụng chỉ nên cho các kho lạnh bảo quản thành phẩm thủy sản, không áp dụng với các kho lạnh chỉ cung cấp dịch vụ bảo quản lạnh cho nguyên liệu thủy sản

Đề nghị bổ sung các yêu cầu cụ thể về từng loại hồ sơ, chứng từ mà DN cần nộp đối với từng dòng hàng (hàng tươi, hàng ướp đá, hàng đông lạnh) của các lô nguyên liệu khai thác/sản xuất trong nước và từng dòng hàng (hàng NK trực tiếp từ tàu cá, hàng NK từ tàu vận chuyển qua cảng trung chuyển, hàng NK trong container lạnh,…) của các lô nguyên liệu NK

Hiệp hội VASEP đề nghị Cục NAFIQPM sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cũng như đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan QLNN từ trung ương đến địa phương về quy định đánh giá, công nhận đối với các cơ sở trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản (cho cả các cơ sở trước và sau chế biến) đáp ứng yêu cầu về ATTP và TXNG của Việt Nam và EU. Đồng thời trước khi chính thức ban hành Chương trình nói trên, Quý Cục xem xét tổ chức các đợt khảo sát, hội thảo để đánh giá thực tiễn tác động của chương trình này tới hoạt động XK thủy sản vào EU.

Đề nghị Quý Cục định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin cho Hiệp hội về việc có bao nhiêu Cơ quan có Thẩm quyền về quản lý ATTP XK của các quốc gia đã phản hồi công thư số 629/CCPT-ATTP ngày 17/8/2023 của Quý Cục về yêu cầu đối với Chứng thư ATTP (H/C) chứng nhận cho các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào Việt Nam, trong đó những cơ quan có Thẩm quyền nào đồng ý cấp H/C như yêu cầu của văn bản 629/CCPT-ATTP và những cơ quan có Thẩm quyền nào không đồng ý cấp để các DN có cơ sở tìm kiếm nguồn nguyên liệu thủy sản NK đáp ứng đúng theo quy định về H/C của Việt Nam.

Đối với các trường hợp mà cơ quan có thẩm quyền các nước không đồng ý cấp H/C như yêu cầu của công thư 629/CCPT-ATTP hoặc không có phản hồi, đề nghị Quý Cục cũng có kế hoạch để tác động, thúc đẩy các Cơ quan này sớm chấp nhận cấp H/C theo yêu cầu của Công thư nói trên.

Hiệp hội VASEP trân trọng đề nghị Cục NAFIQPM xem xét, tiếp thu các góp ý-đề xuất nêu trên để bổ sung sửa đổi hợp lý cho Dự thảo nhằm vừa đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý, vừa tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho ngành thủy sản, không tạo ra các quy định hoặc thủ tục hành chính quá mức cần thiết, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả triển khai trong thực tế.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM