TS. Nguyễn Đình Cung: Một việc mà Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng... chỉ đạo giải quyết mãi không xong, vậy ý thức kỷ luật hành chính phải được hiểu như thế nào?

Đây là vấn đề được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra trước những bức xúc chờ đợi của doanh nghiệp chế biến thuỷ sản liên quan đến Nghị định 38 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

 Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, thực phẩm đã mất cả năm kiến nghị và chờ đợi sửa đổi quy đinh thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp ác thủ tục an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa hề có biến chuyển.

Văn bản luật khiến doanh nghiệp bức xúc nhất

Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục có động thái mới, tổ chức hội thảo Hội thảo An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm được ban hành đã góp phần tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi Pháp lệnh An toàn Thực phẩm trước đây.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 38, cộng đồng các doanh nghiệp cho rằng Nghị định trên đã tạo nhiều vướng mắc, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Khảo sát của VASEP một năm trước đó cho biết, “danh hiệu” văn bản khiến doanh nghiệp bức xúc nhất thuộc về Nghị định 38.

Trao đổi với ông Nam, ông tỏ ra rất bức bối với Nghị định này. “Những quy định này không biết từ đâu nhưng đã gây chuỗi những sự nhiêu khê, không căn cứ và vô cùng bức xúc cho hàng nghìn doanh nghiệp thực phẩm trên toàn quốc”.

Cụ thể, do quy định này mà thời gian xin cấp giấy chứngn hận hợp quy dài hơn nhiều so với trước do các thủ tục xét duyệt phức tạp, dù sản phẩm đã được kiểm nghiệm và xác nhận đạt chất lượng theo quy chuẩn.

Bên cạnh đó, Nghị định 38 quy định giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy được cấp trong 7 ngày, nhưng từ 2 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm thời gian để được cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy mất 3 tháng hoặc lâu hơn nữa kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ, và phải trải qua nhiều lần bổ sung hồ sơ, mỗi lần thường yêu cầu lại khác nhau.

Ông nhấn mạnh rằng nếu không sửa đổi Nghị định này, sẽ là “hòn đá” cản trở việc thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hay Chỉ thị 26 mà Thủ tướng và Chính phủ vô cùng tâm huyết.

Trên thực tế, những ý kiến của VASEP được ghi nhận. Tại cuộc họp đối thoại giữa VASEP và Bộ Y tế ngày 13/5/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thuỷ sản. Phía Bộ Y tế cũng đã công nhận và khẳng định đó là “nội dung trái luật, không có trong Luật An toàn thực phẩm” và cam kết sửa đổi.

Việc nhỏ không làm được lấy gì nói chuyện lớn

Nhắc chủ đề của Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp 2017 diễn ra hồi tháng 5, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp.

“Đây là dư địa cực lớn, nếu làm được việc này, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên, góp phần tăng trưởng GDP. Nếu giảm được 1 điểm % chi phí logistic, nền kinh tế sẽ có thêm nhiều tỷ USD, khiến cho tăng trưởng không chỉ loanh quanh 6,7% mà có thể đạt được 8 – 9%”, ông Cung nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bản thân Thủ tướng cũng đã nhiều lần hành động để chứng minh việc này.

Ông Cung nhận xét, trong bối cảnh đó, Nghị quyết 38 là không phù hợp. Hiện trạng cho thấy doanh nghiệp đang “kêu cứu” vì hồ sơ thủ tục quá nhiều, vượt mức cần thiết, nội dung hồ sơ không rõ ràng, đầy đủ.

“Chính sự không rõ ràng này sẽ gây ra tuỳ tiện, khiến cho doanh nghiệp phải làm đi làm lại một hồ sơ nhiều lần, gây ra sự tốn kém không cần thiết về thời gian và tiền bạc. Kéo theo đó giá thành sản phẩm tăng lên, giảm cạnh tranh. Cuối cùng, tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế giảm xuống”, ông Cung nói.

Ông Cung cũng nhấn mạnh, thực tế là Chính phủ mà cụ thể là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có sự chỉ đạo nhất định hồi tháng 5 nhưng đến nay, theo thông báo của doanh nghiệp những vướng mắc trên vẫn chưa được sửa đổi.

“Tôi đặt câu hỏi, một việc mà Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng,… chỉ đạo bỏ nhưng mãi không thực hiện được vậy ý thức kỷ luật hành chính phải được hiểu như thế nào?”, Viện trưởng CIEM bức xúc.

Ông nói thêm, Thủ tướng nói Chính phủ phải kiến tạo, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhưng đòi hỏi kèm theo là cơ quan công chức có liên quan cũng phải đổi mới. Không thể “trên bảo dưới không nghe”.

“Một động tác thay đổi nhỏ như Nghị quyết 38 không làm được thì việc lớn hơn sẽ khó lòng làm được”, ông nhấn mạnh.

Đức Minh

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM