(vasep.com.vn) Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống COVID-19, ngày 29/5/2021 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Tại cuộc họp này, một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính lại yêu cầu bằng mọi cách mua được vaccine sớm nhất có thể, nhiều nhất có thể, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc cả thế giới đều trong cuộc đua tiếp cận vaccine, nguồn cung có hạn. Việc càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng, không thể chậm trễ từng giờ, từng phút.
Nhất định chúng ta sẽ vượt qua đợt bùng phát dịch lần thứ tư bằng sự đoàn kết, chung tay, đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, bằng 5K, bằng hệ thống an toàn COVID và bằng “vũ khí” vaccine lợi hại.
Nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng cả cuộc chiến. Sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất. Đất nước an toàn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2021 sẽ đạt được.Vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng cao.
9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Trong nội dung trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như:
1. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vaccine theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vaccine.
2. Chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch. Quán triệt tư tưởng chủ đạo là phòng bệnh chủ động, tích cực, thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.
3. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vaccine vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng Quỹ vaccine.
4. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung. Tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động.
5. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy xí nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... có đủ điều kiện có thể nghiên cứu, thực hiện cách ly tập trung tại chỗ theo đúng các quy định để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hợp lý hiệu quả.
6. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Những vấn đề mới, khó, nhạy cảm chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
7. Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài.
8. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
9. Cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Cần kíp triển khai nhanh nguồn vaccine phòng COVID-19 cho người lao động
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh tại một số địa phương khiến nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp phải ngừng hoạt động, tác động rất lớn không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh trong nước cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn thế giới. Việc tiêm chủng vaccine trở thành yếu tố then chốt để duy trì sản xuất và kinh doanh trong hoàn cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn.
Việc triển khai nhanh chóng vaccine phòng COVID-19 cho người lao động các khu công nghiệp, người lao động thuộc các doanh nghiệp bên cạnh các đối tượng ưu tiên khác là lựa chọn hàng đầu để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội và tạo dựng cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước tình hình đó, nhiều Hiệp hội đã gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng, bày tỏ nguyện vọng được ưu tiên dành nguồn vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp thành viên và cam kết chung tay cùng Chính phủ về ngân sách cho tiêm phòng.
Việc chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 cùng với Chính phủ tại thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì đời sống kinh tế xã hội ổn định, thực hiện “mục tiêu kép” như Chính phủ đề ra.
Hiện tại các khu công nghiệp, công nhân được đưa vào nhóm ưu tiên trong chương trình tiêm chủng vaccine.
Để đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo kinh tế”, như vậy ngoài các nhóm nêu trên, các doanh nghiệp còn có nhóm ưu tiên nào khác cần đề xuất để đảm bảo hoạt động sản xuất và kinh doanh không bị gián đoạn, chiều 28/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng 9 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau đã tổ chức buổi họp trực tuyến về chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong Chương trình tiêm chủng phòng chống dịch COVID- 19”.
Sáng ngày 3/6/2021, Bộ Y tế đã thông tin chi tiết về 124,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, ngoài vaccine AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó ngoài nguồn của Chương trình COVAX Facility, AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm các nguồn vaccine khác.