Kiến nghị ngưỡng phát hiện của chỉ tiêu CAP cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa

(vasep.com.vn) Trong thời gian qua, VASEP đã nhận được phản ánh của DN hội viên về một vấn đề bất cập đang nảy sinh gây ảnh hưởng đến ngành chế biến hàng thủy sản tiêu thụ nội địa liên quan đến chỉ tiêu Chloramphenicol (CAP), cụ thể như sau: CAP là hoạt chất đang nằm trong danh sách hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ NNPTNT ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam.

Đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, Việt Nam đang cho phép Giới hạn tối thiểu về hiệu năng của phương pháp (Minimum Required Performance Limit – MRPL) của chỉ tiêu CAP < 0,3 ppb (theo Quyết định 1471/QĐ-BNNPTNT-QLCL ngày 20/6/2012 về sửa đổi danh mục các chỉ tiêu hoá học chỉ định kiểm nghiệm đối với lô hàng thuỷ sản xuất khẩu), tức là nếu sản phẩm thủy sản đăng ký xuất khẩu với kết quả kiểm nghiệm cho thấy có dư lượng CAP < 0,3 ppb thì vẫn được Cục NAFIQAD cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định ngưỡng cho phép của chỉ tiêu CAP nói riêng, các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng nói chung trong sản phẩm thủy sản tiêu thụ tại thị trường trong nước. Do vậy, một số siêu thị tại Việt Nam đang không chấp nhận các sản phẩm thủy sản được đưa vào hệ thống siêu thị của họ khi kết quả kiểm tra CAP trong các sản phẩm đó cho thấy có phát hiện dư lượng dù mức phát hiện được vẫn < 0,3 ppb. Sự bất bình đẳng này đang tạo ra rất nhiều khó khăn cho các DN sản xuất thủy sản để bán tại thị trường nội địa.

Bất cập này đã được VASEP và DN phản ánh với Lãnh đạo Cục NAFIQAD tại cuộc họp giữa đại diện VASEP, các DN và Cục NAFIQAD ngày 14/12/2017 và được đại diện NAFIQAD khuyến cáo nên gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Y tế do thẩm quyền quy định MRPL cho các chỉ tiêu ATTP cho hàng thực phẩm tiêu thụ nội địa là thuộc Bộ Y tế.

Ngày 23/1/2018, VASEP đã có công văn số 16/2018/CV-VASEP gửi Bộ Y tế phản ánh bất cập nói trên đồng thời kiến nghị Bộ Y tế ra quyết định công bố ngưỡng MRPL cho các chỉ tiêu kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa với mức tương đương với ngưỡng cho phép của các chỉ tiêu này trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngày 13/2/2018, Cục An toàn Thực phẩm (VFA) thuộc Bộ Y tế đã gửi công văn số 677/ATTP-KN trả lời công văn số 16/2018/CV-VASEP, trong đó đề nghị Hiệp hội ”đề xuất ngưỡng quy định bổ sung dựa trên cơ sở quy định của quốc tế, các quốc gia trên thế giới, thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong nước kèm theo các bằng chứng khoa học đánh giá nguy cơ để Cục An toàn thực phẩm báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế soát xét, bổ sung”. Ý kiến phản hồi này của Cục VFA theo chúng tôi là chưa hợp lý do các ngưỡng cho phép của các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh đối với hàng thủy sản xuất khẩu đã được nêu tại Quyết định 1471/QĐ- BNNPTNT-QLCL của Bộ NNPTN, còn việc nghiên cứu các quy định của quốc tế, các quốc gia trên thế giới, tìm hiểu thực tiễn sản xuất, kinh doanh và tiến hành các nghiên cứu đánh giá nguy cơ về một chỉ tiêu ATTP không thuộc chức năng và khả năng của VASEP. Bộ Y tế cũng đề nghị “VASEP liên hệ với Bộ NN&PTNT để có ý kiến chính thức về phương pháp thử, giới hạn phát hiện....”.

Nhằm giải tỏa các vướng mắc giữa các bên và cộng đồng DN có thể lưu thông được hàng hóa, VASEP đề nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT có ý kiến chỉ đạo giúp tháo gỡ vấn đề trên để tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa thủy sản tại thị trường trong nước và giúp các DN thủy sản yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM