Hội nghị Toàn thể VASEP và sự kỳ vọng lớp trẻ hôm nay

VASEP đang ở tuổi đời 21. Cái tuổi của sức trẻ, nhiệt huyết và hoài bão…

Chắc đúng như vậy, đa phần hội viên dự Hội nghị toàn thể VASEP vừa qua đều trẻ. Lác đác lẻ loi vài người từ buổi đầu tiên dáng phong sương, có mặt dự hội nghị thành lập Hiệp hội vào năm 1998. Một điểm sáng là số người về dự hội nghị toàn thể đông hơn dự tính, phải kê thêm ghế ngồi và bàn ăn. Chứng tỏ VASEP vẫn còn sự thuyết phục, sức hấp dẫn, thu hút thành viên.

Sóng sau xô sóng trước

Em mờ theo thời gian

Đời còn bao được mất

Còn bao chuyện lo toan.

Tôi mượn mấy câu thơ của cặp tình nhân không mỹ mãn. Đối tượng lu mờ dần trong tâm tưởng bởi đường đời còn lắm chuyện gian nan, phải lo toan. Chỉ khi nào có chút thảnh thơi, chợt hồi tưởng, chuyện xưa mới ùa về…So sánh khập khiễng, người đẹp VASEP mà bao doanh nhân thủy sản từng gắn bó, lớp người xưa cũ đó, nay đã phôi pha.

Người đẹp VASEP, trong tâm trí, chắc chỉ là ký ức, cất lên rồi! Những người xưa đó, phía Bắc có anh Thực, anh Sáng…; miền Trung có anh Hoạt, anh Lĩnh… Miền Nam rất nhiều như anh Phát, anh Kháng, anh Dũng, anh Hậu, chị Ánh, chị Tuyết, chị Bình, anh Thanh, anh Chiến, anh Kịch, anh Khiết, anh Quí…bây giờ ở đâu? (Tôi chỉ nhắc các hội viên VASEP. Trước đó còn thế hệ thời bao cấp điều hành các DN thủy sản hàng đầu như Seaprodex, Cầu Tre... Thậm chí số sau này chưa nêu tên ra hết. Xin thông cảm).

Có anh đã theo chuyến tàu “one way” du hành miền miên viễn. Có anh đang sưu tầm các căn bệnh của tuổi già. Có anh ở nhà trông cháu! Có anh làm ông lão cô đơn! Cũng có anh ngồi đếm tiền, nghĩ làm sao tiêu hết! Một ít còn bám việc vì niềm đam mê, nhất là nhờ sức khỏe còn tốt. Theo quy định, một số anh còn lại sẽ buông Tổng giám đốc, giữ chức Chủ tịch HĐQT. Đầu năm 2020, chắc toàn bộ những “bô lão” thủy sản sẽ rút hết, giữ tuyến sau. Những Tổng giám đốc các hãng thủy lớn lớn và vừa đều do thế hệ mới đảm nhận. Họ đã và đang thay thế. Cho nên bộ mặt VASEP ngày hội nghị toàn thể mới có một hình ảnh tươi tắn hơn, trẻ trung và lịch lãm hơn!

Hai thế hệ doanh nhân thủy sản của gia đình ông Huỳnh Thanh Tân - TGĐ CASES

Chúng ta luôn đọc được những chuyện cho thấy thế hệ càng về sau thì sự nắm bắt thành tự khoa học kỹ thuật, sự thực hành trong thực tế… tỏ rõ hơn hẳn thế hệ trước. Đó là cái phúc chung. Chúng ta, qua đó, kỳ vọng lực lượng trẻ, những thương nhân thủy sản, sẽ viết tiếp những chương trong lịch sử ngành và những chương đó sẽ sáng lạn hơn, đầy ắp những thành công. Nói kỳ vọng, cũng nên nhắc chút chuyện cũ, chuyện thế hệ đang qua. Chuyện đã qua bắt đầu bằng hai chữ Hồi xưa... Thế hệ đầu đàn, lớp doanh nhân thủy sản đầu tiên đa phần khởi đầu công việc khoảng những năm 1980, có một ít còn sớm hơn. Thời đó còn bao cấp. Mọi việc đâu thể làm theo suy nghĩ; dù biết suy nghĩ là hợp lý, đúng đắn.

Lớp này đợi tới những năm 1990 mới thực sự “vào trận” theo sự chuyển mình của đất nước. Nhất là từ thời điểm VASEP thành lập, lớp này được tập họp chung theo một ngọn cờ; mới chuyển từ “chiến tranh du kích”, “đánh võ rừng!” sang “chiến tranh chính quy”, kinh doanh có bài bản hơn. Từ đây mới thực sự có khái niệm “tìm hiểu thị trường” thông qua sự tổ chức, sắp xếp của VASEP cho các hội viên, DN.

Trước đó, có khách hàng là do “cơ duyên” tìm và gặp  nhau thôi. Dưới ngọn cờ VASEP, một thời ngành chế biến đã thể hiện rất rõ sự đoàn kết, sự tương trợ, sự gắn bó giữa các DN với nhau; đúng câu “mua có bạn bán có phường” và đã tạo nên những thành quả đáng tự hào với những mức tăng trưởng xuất khẩu quý giá, góp phần tạo nguồn ngoại tệ cho đất nước. Và VASEP trở thành một Hiệp hội hoạt động hiệu quả hàng đầu so hàng trăm Hiệp hội ngành nghề khác.

Lớp thương nhân đầu tiên đó, vào đời thời bao cấp với hành trang là kiến thức không thể thực hành. Tuy nhiên, giữa dòng chảy cuồn cuộn của thương trường thế giới; trong biết bao cái mới mẻ, lạ lẫm; họ đã tự từng bước hoàn thiện mình hơn; cóp nhặt từng thông tin, kiến thức; tích lũy từng kinh nghiệm để vượt lên trong trò chơi đấu trí trên sàn đấu quốc tế. Tôi không tỏ ý bênh vực, bởi nếu lớp thương nhân đó không nỗ lực học hỏi, bươn chải trong kinh doanh, ngành chế biến làm sao có bộ mặt sáng sủa hôm nay.

Lấy ngành chế biến tôm Ấn Độ để so sánh. Đến năm 1995 mình với họ chung chiếu dưới. Chỉ 5 năm sau và kéo dài tới bây giờ, khoảng cách mình với họ ngày càng xa. Mình vươn lên chiếu cao nhất, họ chỉ tiến mấy bước chân! Tôi nhắc lớp xưa đang tan đàn nhưng đầy công trạng để có chuyện tâm tình với lớp nay. Bây giờ, biết bao cơ hội để một thương nhân hoàn thiện kiến thức, trang bị tới tận…răng, đủ hành trang cần thiết vào đời mà xưa làm sao thấy, có.

Bây giờ, thương nhân, để bảo toàn và phát triển DN mình đang điều hành đã biết thế nào là sứ mệnh, tầm nhìn để có kim chỉ nam đi đúng hướng; đã biết phải xây dựng văn hóa DN mới phát triển bền vững; đã biết phải thực hành trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh mới đủ chiều sâu chinh phục mục tiêu cao hơn; đã biết phải xây dựng thương hiệu, hoặc thấp hơn là tạo dựng uy tín thương hiệu để thu hút, thuyết phục người tiêu dùng; đã biết kinh doanh phải có chiến lược, bài bản. Chiến lược đó vạch ra trên nền tảng sứ mệnh, tầm nhìn và phân tích môi trường kinh doanh… Thế hệ mới có điều kiện tốt hơn, hy vọng sẽ hơn hẳn những đàn anh, đàn chú. Chú ý trong thế hệ mới có nhiều người là con của thế hệ cũ. Như vậy sự chuyển giao chắc sẽ tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, một điều không thể không nêu lên. Chế biến thủy sản, nhất là tôm và hải sản phụ thuộc rất nhiều về thời tiết và cung cầu phạm vi thế giới; đòi hỏi thương nhân thủy sản tốn rất nhiều thời gian, công sức cho công việc nếu muốn công việc trôi chảy nhất. Lao vào ngành này là chấp nhận sự khó khăn không nhỏ, đôi khi vượt quá sức, nhất là phụ nữ. Bởi phụ nữ còn phải dành thời gian lo toan gia đình…

Tôi nêu điểm này không có ý kỳ thị đâu! Cái nghề này, đôi khi có tuần tiếp năm bảy đoàn khách nước ngoài. Mấy tay sales quốc tế, trăm người có hơn chín mươi là nam, trong đó có hơn tám mươi người là bạn của rượu! Nói tóm lại, rõ ràng thế hệ hôm nay khởi nghiệp nối tiếp, cha chú…có nhiều thuận lợi hơn hẳn; đâu như hồi xưa, lớp trước vừa thoát ra bao cấp, kinh doanh có bài bản gì đâu. Chỉ nhờ vào nghị lực, ý chí, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm mà thôi. Trưởng ban Kiểm soát VASEP, chị Minh Tuệ, trong phát biểu của mình cho rằng thế hệ sau có rất nhiều thuận lợi như có điều kiện học tập tới nơi tới chốn…và nhất là không phải nặng lo vốn, bởi đã kế thừa từ cha mẹ và chỉ lo cho đồng vốn sinh sôi! Một cảm tưởng chí lý!

Năm tháng đi qua, cái tình đọng lại. Nhưng rồi cái tình có phôi pha theo thời gian? Cũng có. Nhưng tôi tin những “bô lão” thương nhân thủy sản đã cả đời gắn bó với ngành, không dễ quên những ngày bôn ba bên đồng nghiệp nơi xứ người để tìm đường bơi rộng lớn hơn cho con tôm, con cá nhà. Các “bô lão” nên được VASEP có thư mời dự những hội nghị toàn thể với tư cách khách mời.

Về với ngôi nhà chung thân quen đầy kỷ niệm, thời “oanh liệt” sẽ sống dậy trong tâm tưởng, tạo thêm nguồn năng lượng để các bô lão lạc quan hơn trong cuộc sống. Đó là một hình thức ghi nhận công lao cũng là một cơ hội lớp trẻ hôm nay có cơ hội gặp gỡ, biết nhiều hơn lớp đi trước. Đó cũng là một hình thức nhắc nhở lớp trẻ hôm nay, có dịp soi gương, học hỏi kinh nghiệm…

Tôi tin lớp thương nhân trẻ hôm nay, thời buổi công nghiệp 4.0 sẽ phát huy tốt nhất mặt mạnh của mình như khả năng thu thập, nhận định thông tin sẽ nhanh, đủ và bài bản hơn; quản trị chặt chẽ hiệu quả hơn. Tôi tin tưởng lớp trẻ sẽ có những quyết đoán, tận dụng cơ hội kinh doanh kịp thời nhất trên nền tảng kinh doanh có bài bản như nói phần trên. Còn những mặt cần bổ sung sớm là kinh nghiệm thương trường, sự cần cù chịu khó… nên tốn chút công tìm các “bô lão” trong ngành là một kho vốn sống để tham khảo, học hỏi.

TS Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM