Hội đồng Tư vấn đề xuất với Thủ tướng biện pháp cắt, giảm chi phí cho doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 2/11/2017, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục Hành chính đã báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp nhằm cắt, giảm mức phí, chi phí cho doanh nghiệp. Hiện nay, giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn đang là chủ đề nóng với những hành động, nỗ lực thực tế từ Chính phủ. Nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2017 phải là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo đề xuất này có nhiều nội dung mà các DN thực phẩm, trong đó có DN thủy sản đang mong chờ và rất quan tâm.

Xem xét bãi bỏ yêu cầu đăng ký công bố hợp chuẩn

Hội đồng tư vấn đề nghị xem xét, bãi bỏ yêu cầu đăng ký công bố hợp chuẩn hoặc phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Việc công bố này có thể giao các hiệp hội ngành hàng thực phẩm thực hiện công bố trên Internet và ấn phẩm chuyên ngành. Cơ quan nhà nước thực hiện hậu kiểm, lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên; Bộ Y tế và các Sở Y tế bố trí kinh phí đủ để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Xem xét giảm một số mức phí chưa thực sự phù hợp

Theo quy định tại Luật phí và lệ phí năm 2015, mức phí phải được xác định dựa trên chi phí cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công, mức phí này chỉ mang tính chất “bù đắp”, “phục vụ” chứ không hoàn toàn là “trả ngang giá” cho các chi phí thực tế mà Nhà nước đã bỏ ra. Xuất phát từ bản chất này, qua rà soát, Hội đồng tư vấn nhận thấy một số mức phí đang quy định chưa thực sự phù hợp, cần được xem xét để giảm, nhất là trong các hoạt động thẩm định (hoạt động có tính chất hành chính, giấy tờ) như: Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, phí thẩm định cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Với phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản quy định tại Thông tư số 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, theo đó, mức phí này là 700.000 đồng/lần thẩm định. Như vậy, trên cơ sở tính toán của DN, một công ty chế biến cá ngừ cỡ vừa trong năm 2016 thực tế cần tới 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Theo mức phí tại TT230/2016 thì công ty phải chi tới 840 triệu đồng (1.200x 700.000 đồng/bộ). Đối với DN sản xuất quy mô nhỏ thì cũng phải chi trả đến 154 triệu đồng/năm cho 220 bộ Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác chỉ cho riêng thị trường EU. Hiện nay dự thảo sửa đổi TT230/2016 đã đề xuất giảm còn 630.000 đồng/lần thẩm định. Tuy nhiên, mức phí này được các DN thủy sản đánh giá vẫn còn quá cao.

Chi phí cho người lao động và bảo hiểm xã hội

Hội đồng tư vấn đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm để DN ổn định sản xuất; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để DN có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.

Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo hệ thống thông tin về khai báo, đăng ký bảo hiểm xã hội hoạt động thông suốt; DN chỉ khai báo trên phần mềm hoặc gửi email thông báo; cho phép DN nộp phí BHXH trực tuyến và thời gian nộp phí là 3-6 tháng/lần thay vì 01 tháng/lần. BHXH xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động và người sử dụng lao động để nâng cao hiệu quả quản lý, không dùng sổ BHXH, chỉ cần mã số và thông tin cá nhân người lao động; BHXH thông báo cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của họ khi họ bắt đầu tham gia bảo hiểm, thông báo cho người lao động tình trạng đóng bảo hiểm của DN.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM