Dự thảo 2 Nghị định thay thế Nghị định 38 của Bộ Y tế: thụt lùi về thủ tục hành chính

File đính kèm: Tải tại đây
(vasep.com.vn) Ngày 19/10/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã gửi Công văn số 903/QLKTTW-MTKD (CV903) báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ38/2012) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 26/9/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã thay mặt cho 5 đơn vị và Hiệp hội ngành hàng tham gia soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ38/2012 gồm: VCCI, VASEP, VITAS, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMCHAM), Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) gửi Công văn số 801/QLKTTW- MTKD tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đóng góp sửa đổi NĐ 38/2012. Kèm theo công văn là Tờ trình và Dự thảo sửa đổi NĐ 38/2012.

Dự thảo được xây dựng theo đúng kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại tại buổi đối thoại về kiến nghị sửa đổi NĐ 38/2012 giữa 9 hiệp hội và doanh nghiệp thành viên với 3 Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, NN&PTNT vào đầu tháng 9/2017 và tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Ngày 29/9/2017, Bộ Y Tế đã tổ chức một cuộc họp ngày 29/9/2017 với sự tham gia của VASEP để bàn về Nghị định 38 sửa đổi, nhưng không có kết luận nào được đưa ra.

- Ngày 5/10/2017, Bộ Y tế đã tổ chức họp Ban soạn thảo và đưa ra dự thảo lần 2. Theo phản ánh của các Hiệp hội ngành hàng thực phẩm, ngoài một số cải thiện về kiểm tra nhà nước, thì Dự thảo này chưa thực hiện hầu hết các chỉ đạo của Phó Thủ tướng về cải cách thủ tục công bố quy định ATTP. Đặc biệt có một số điểm mới đưa vào, nhưng lại thụt lùi về thủ tục hành chính so với chính Nghị định 38. Ví dụ như:

+ Thêm một giấy phép con là công văn xác nhận nhãn sản phẩm (yêu cầu này không có trong Luật ATTP).

+ Thêm một nhóm sản phẩm mới là nhóm “thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe” (yêu cầu này không có trong Luật ATTP và trái với thông lệ quốc tế). Trên thế giới không có nước nào có phân nhóm “thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe”.

+ Thời gian trả lời cho các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em đã có quy chuẩn tăng lên từ 7 ngày làm việc như hiện nay thành 30 ngày làm việc.

+ Không chỉ giữ nguyên thẩm xét về công bố phù hợp ATTP như trước đây (chỉ đổi tên là công bố phù hợp quy chuẩn/tiêu chuẩn), mà còn thêm thẩm xét về ghi nhãn hàng hóa (đã được quy định trong Nghị định 43 về nhãn hàng hóa). Như vậy, quy định này là thêm thủ tục hành chính ngoài thẩm quyền.

CIEM kiến nghị Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; nghiêm túc xem xét và tiếp thu các nội dung trong Dự thảo Nghị định do các Hiệp hội ngành hàng thực phẩm đề xuất.

Bản phân tích chi tiết các điểm hạn chế của Dự thảo Nghị định do Bộ Y tế soạn thảo, dẫn chiếu theo các chỉ đạo của Phó Thủ tướng xem Tại đây

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM