Cục An toàn Thực phẩm kiến nghị giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu quy định về áp dụng MRPL

(vasep.com.vn) Ngày 30/11/2018, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi Công văn số 5842/ATTP-KN tới Vụ Khoa giáo Văn xã – Văn phòng Chính phủ về việc quy định MRPL của phương pháp phân tích hóa chất, kháng sinh cấm.

Tại văn bản trên, Bộ Y tế đã kiến nghị giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu quy định cụ thể về việc áp dụng MRPL đối với một số hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo nguyên tắc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh theo Điều 36, Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Công văn này cũng được gửi cho Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) để phối hợp và VASEP để biết.

Trước đó, ngày 19/9/2018, VASEP đã gửi Công văn số 136/2018/CV-VASEP (CV 136) Bộ Trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính Mai Tiến Dũng kiến nghị về các mức MPRL cho chỉ tiêu HC, KS của hàng TS tiêu thụ nội địa.

Tại công văn này VASEP nêu rõ, thực hiện chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ, các DN chế biến thủy sản đang tích cực hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị để thúc đẩy kinh doanh sản phẩm thủy sản tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, hiện nay các DN thủy sản đang gặp phải một bất cập ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các kênh bán lẻ.

Tháng 9 chính là thời điểm quan trọng để các DN chế biến thủy sản chốt các hợp đồng, đơn hàng với các hệ thống siêu thị để phục vụ Tết. Tuy nhiên, các DN chế biến thủy sản đang gặp phải một bất cập lớn về văn bản và cách hiểu giữa các hệ thống siêu thị với DN và các cơ quan Quản lý Nhà nước liên quan đến Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (Minimum Required Performance Limit - MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.

Theo quy định tại Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/01/2005 của Ủy ban Châu Âu, nếu kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MPRL thì thực phẩm không bị cấm sử dụng làm thực phẩm và vẫn được phép nhập khẩu vào EU. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ ban hành mức Giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng nhưng chưa ban hành quy định về mức MPRL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng nên các siêu thị vẫn không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng của các chất này trong sản phẩm rất thấp, nằm dưới ngưỡng MPRL quy định của EU nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Bất cập này cũng đã được VASEP phản ánh và kiến nghị hơn 1 năm qua bằng nhiều văn bản gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Nhận được kiến nghị từ VASEP, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng VASEP gửi nhiều văn bản tới Bộ Y tế để đề xuất Bộ Y tế ban hành các mức MPRL cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm dựa trên cơ sở tham khảo các mức MPRL đã được EU chấp thuận và ban hành.

Bằng CV 136, VASEP kiến nghị Bộ Trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính có ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan sớm ban hành các văn bản pháp quy nhằm giúp tháo gỡ vướng mắc này cho các DN thủy sản để các DN kịp thời gian ký được hợp đồng với các siêu thị trong tháng 9/2018 và giúp đưa được hàng Việt vào hệ thống tiêu thụ của các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong tương lai. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM