Cần đưa vào dự thảo thông tư  thay thế Thông tư 15/2018 một số quy định để giảm danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành

(vasep.com.vn) Xuất phát từ nhiều điểm bất cập trong thực tế khiến danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn lớn, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết như: Nghị quyết 19-2018/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP (2020 và 2021) yêu cầu các Bộ, trong đó có Bộ NN&PTNT rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm cắt giảm danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

Cần đưa vào dự thảo thông tư  thay thế Thông tư 152018 một số quy định để giảm danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành

Ngày 30/12/2019, Bộ NN&PTNT (Bộ NN) đã ra Quyết định số 5051/QĐ-BNN-PC ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 và giao Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hành hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN.

Ngày 25-26/01/2021, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tổ chức họp rà soát, thẩm định dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Tại cuộc họp này, chuyên gia của Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP)  (Dự án do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ), ông Phạm Thanh Bình đã có bài tham luận góp ý rất sát thực cho các nội dung dự thảo thông tư thay thế Thông tư 15/2018.

Bản tin Thương mại Thủy sản xin giới thiệu ý kiến tham luận này của ông Bình.

Đại diện Dự án TFP nhất trí với nội dung của dự thảo. Dự thảo đã được xây dựng công phu, chu đáo. Nội dung thông tư đã thể hiện việc quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ tại các nghị quyết liên quan từ năm 2015 đến nay. Cách trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ý, dễ hiểu.

1. Về Tờ trình

Chúng tôi đồng tình về Mục đích ban hành thông tư này, đồng thời đề nghị bổ sung như sau:

Ở Mục đích thứ hai Tờ trình nêu: Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với các Luật mới ban hành như: Luật Thủy sản, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi…

Đề nghị bổ sung vào mục đích này nội dung: Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Lý do: Hiện nay có tình trạng doanh nghiệp khai mã số HS theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành (bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhưng cơ quan Hải quan lại áp vào mã khác.

Đề nghị bổ sung Mục đích thứ 4 là, pháp luật hóa chỉ đạo của Chính phủ về cải cách toàn diện các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại các nghị quyết 19/NQ-CP, 02/NQ-CP, 99/NQ-CP và một số nghị quyết liên quan khác.

Lý do: Các vấn đề của thông tư này nằm trong các nội dung chỉ đạo của Chính phủ trong nhiều nghị quyết từ năm 2015 đến nay và dự thảo Thông tư cũng thể hiện rõ tinh thần này.

2. Về nội dung dự thảo Thông tư

(1) Khoản 4 Điều 1, đề nghị bổ sung một đoạn cho chính xác. Sau khi bổ  sung, khoản 4 có nội dung như sau:

4. Việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo đề nghị của doanh nghiệp phục vụ việc thông quan hàng hóa tại nước nhập khẩu”.

(2) Đề nghị bổ sung khoản 5, Điều 1 như sau:

“5. Mặt hàng nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng không sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp thì không phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Thông tư này”.

Lý do: Đây là một trong những vướng mắc mà các doanh nghiệp và cơ quan Hải quan thường gặp khi làm thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng, ví dụ: Mặt hàng Diammonium phosphate nhưng không dùng làm phân bón, mà dùng trong công nghiệp; hoặc Mặt hàng Zeolite, mã số HS 2842.10.00 nhưng không sử dụng trong môi trường nông nghiệp và thủy sản, mà dùng làm nguyên liệu sản xuất bột giặt.

(3) Đề nghị bổ sung 1 Điều với nội dung như sau:

“Điều... Sửa đổi phương thức “kiểm tra sau thông quan” thành phương thức “kiểm tra trước thông quan” đối với mặt hàng nhập khẩu là “Giống vật nuôi” quy định tại điểm 2, “Giống thủy sản” quy định tại điểm 3,  Phụ lục kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Lý do: Phương thức kiểm tra quy định dự thảo thông tư này (nếu sau khi thảo luận vẫn giữ như dự thảo) khác với phương thức kiểm tra quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNNPTNT.

(4) Đưa vào Thông tư này một số quy định nhằm giảm thiểu danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của BN&NPTNT

Từ nhiều năm nay, tại các nghị quyết đã nêu, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu cắt giảm mạnh mẽ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Các Bộ quản lý chuyên ngành (bao gồm Bộ NNPTNT) đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chỉ đạo này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, diện hàng hóa phải kiểm tra vẫn còn rất lớn, trong đó có nhiều trường hợp không cần thiết hoặc quá mức cần thiết. Cụ thể:

Theo quy định tại Luật Thú y, thì các loại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm dịch động vật chỉ bao gồm động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản có trong danh mục. “Sản phẩm động vật”, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thú y, thì chỉ bao gồm các bộ phận, các phần của cơ thể động vật, thủy sản. Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Chương 3 Luật An toàn thực phẩm Luật An toàn thực phẩm về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm cũng chỉ quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y (Điều 11). Đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 12).

Tuy nhiên, quy định về kiểm dịch đối với “sản phẩm động vật” đang được giải thích và áp dụng theo hướng sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (kể cả loại bao gói sẵn) cũng thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Hay nói cách khác, khái niệm “sản phẩm động vật” đã được mở rộng quá mức quy định tại Luật Thú y.

Khoản 3 Điều 3 Luật Thú y đưa “sơ chế” và “chế biến” vào chung một khái niệm. Trong khi, đây vốn là hai khái niệm với các nội hàm khác nhau. Tham khảo Điều 2 Luật An toàn thực phẩm thấy: khái niệm “chế biến” được quy định tại khoản 4, còn khái niệm “sơ chế” được quy định tại khoản 16. Bất cập trên của Luật Thú y đặt ra nhu cầu cần giải thích thêm về khái niệm này.

Việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật”  và thiếu vắng giải thích đối với khải niệm “sơ chế, chế biến” như đã nêu trên là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Vì vậy, để mở đường cho việc cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật, đề nghị:

- Quy định tại Thông tư này: Đối tượng kiểm dịch động vật bao gồm động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản có trong danh mục, không bao gồm sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật”

- Trên cơ sở tham khảo quy định tại Điều 2 Luật An toàn thực phẩm, giải thích thêm cụm từ “sơ chế, chế biến” quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Thú y theo hướng tách biệt thành 2 khái niệm.

(5) Hài hòa hóa các loại kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của BNN&PTNT

Theo quy định của các luật quản lý chuyên ngành hiện hành, BNNPTNT chịu trách nhiệm thực hiện 3 loại kiểm tra chuyên ngành là kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng đối với một số loại hàng hóa.

Trên thực tế, có một số loại hàng hóa chịu nhiều loại kiểm tra chuyên ngành của Bộ, như: thực phẩm tươi sống vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; sản phầm làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra chất lượng; sản phẩm vừa làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vừa làm thực phẩm phải thực hiện 3 loại kiểm tra là kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng.

Hiện trạng thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng trên: Về cơ quan kiểm tra, BNNPTNT đã thực hiện việc tập trung vào một đầu mối và tiếp tục hoàn thiện tại Thông tư này. Tuy nhiên, về thủ tục, hồ sơ thì vẫn còn là 3 thủ tục, 3 loại hồ sơ.

Để cắt giảm thủ tục hành chính,  đề nghị nghiên cứu hài hòa hóa 3 loại kiểm tra này thành 1 loại kiểm tra, theo đó, chỉ 1 thủ tục, 1 bộ hồ sơ, 1 cơ quan kiểm tra.

3. Về Phụ lục II - Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (Phụ lục II) và Phụ lục III - Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan (Phụ lục III) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNNPTNT)

Tại các Phụ lục này, đề nghị:

- Loại bỏ mã “- - - loại khác’ trong mã “- - loại khác”, mã “- - - - loại khác” trong mã “- - - loại khác” (trừ động vật, thủy sản và các sản phẩm động vật, thủy sản tươi sống, đông lạnh) ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

- Loại bỏ các sản phẩm có “chứa” sản phẩm động vật (sữa,  thịt, trứng...), sản phẩm bao gói sẵn ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật.

- QCVN, TCVN áp dụng được ghi chung tại cột của mã 4 là chưa hợp lý, bởi không phải tất cả các mã chi tiết 8 số đều áp dụng các QCVN, TCVN đó. Đề nghị: Trường hợp QCVN, TCVN không áp dụng cho toàn bộ các mã 4 số thì QCVN, TCVN áp dụng được ghi vào cột này của mã 8 số.

- Đề nghị thêm cột “hình thức kiểm tra” (kiểm tra hồ sơ; kiểm tra cảm quan,; thử nghiệm, phân tích tại phòng thí nghiệm).

Lý do:

+ Đây là 3 hình thức kiểm tra theo thông lệ quốc tế.

+ Tạo sự minh bạch, chủ động cho doanh nghiệp

+ Việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm được áp dụng dối với tất cả các lô hàng, gây cảm giác thủ tục hành chính nặng nề. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp kiểm dịch là kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cảm quan. Có thêm cột này sẽ giảm cảm giác nặng nề cho doanh nghiệp.

4. Về Phụ lục III - Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan

Theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNNPTNT, việc kiểm tra chuyên ngành của BNNPTNT đối với hai nhóm mặt hàng giống vật nuôi (ngựa, bò, trâu, lợn…) và giống thủy sản được  thực hiện sau thông quan. Nay, theo dự thảo Thông tư này thì việc kiểm tra được thực hiện trước thông quan. Đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định như Thông từ 14/2018/TT-BNNPTNT. Nếu vẫn thay đổi thì:

- Cần làm rõ lý do, bởi sự thay đổi có tính thụt lùi về mặt cải cách thủ tục hành chính này trái ngược với chỉ đạo của Chính Phủ tại các nghị quyết 19/NQ-CP, 02/NQ-CP và một số nghị quyết liên quan khác từ 2015 đến nay.

- Bổ sung một điều vào Thông tư này với nội dung như đã nêu ở điểm 2 trên đây.

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM