Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc

(vasep.com.vn) Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 là năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện còn 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con); nhiều nhất là Bộ Công thương với 1.220 điều kiện kinh doanh cho 27 ngành nghề; Bộ Xây dựng ít nhất, với 106 điều kiện kinh doanh cho 17 ngành nghề… Ðáng nói là, có bộ mặc dù đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành, nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện, cùng các chế tài đối với các sai phạm khi tiến hành kiểm tra. Ðiều này dẫn đến nguy cơ lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Theo VCCI, trong Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố trong quý I - 2017, chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Có khoảng 66% doanh nghiệp thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12 đến 15% so với giai đoạn 2008 - 2013. Nhiều chi phí không chính thức đang bị mặc định thành khoản chi tất yếu để duy trì các mối quan hệ của doanh nghiệp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, ngày 3/8/2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở rà soát đề xuất giảm mức phí, Bộ Tài chính đã có công văn ngày 31/7 báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một lĩnh vực khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%.

“Các Bộ trưởng cần quyết tâm triển khai cái này, nhất là các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Giao thông Vận tải. Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được. Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục nghìn tỷ chi phí cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, còn các loại chi phí trong các lĩnh vực như giấy phép xây dựng, chi phí lao động, vốn, tiếp cận thị trường..., cần có cái nhìn tổng quan hơn. Ông Dũng kiến nghị Thủ tướng giao thêm Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát toàn bộ các lĩnh vực khác, ngoài các lĩnh vực mà Bộ Tài chính đã chuẩn bị, từ đó giảm cả chi phí chính thức và phi chính thức.

Đồng tình cao với kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng nhấn mạnh rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

“Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. NHNN đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng.

Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn... Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Theo Thủ tướng, đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.

Cùng với đó, chi phí vận tải, logistic còn cao. Các chi phí trong đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan... tuy có giảm nhưng giảm rất chậm. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tới chi phí cấp giấy phép con với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ và nhấn mạnh tinh thần đưa năm 2017 là năm giảm chi phí doanh nghiệp.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM