Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về một số nội dung lớn của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

(vasep.com.vn) Về một số nội dung lớn và giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về một số nội dung lớn và giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Chính phủ Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo trình Quốc hội. Ban soạn thảo chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Bộ Luật này; chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi cần thiết.

Đây là 1 trong 10 nội dung lớn tại Nghị quyết số 99/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 vừa được ban hành vào ngày 13/11/2019.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP: tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019, Chính phủ thống nhất đánh giá: tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực; các tổ chức quốc tế đánh giá, nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48%, thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản được đảm bảo; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tín dụng cho một số ngành động lực tăng trưởng kinh tế tăng khá. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 7,4%, xuất siêu đạt 7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,2%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%). Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4,%. Khu vực nông nghiệp duy trì đà phát triển, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát tại nhiều địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức: trước những biến động khó lường của thị trường thế giới, xu hướng bảo hộ thương mại và suy giảm tăng trưởng, thương mại, đầu tư quốc tế. Nội tại nền kinh tế nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp động lực giảm. Giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh. Môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù tiếp tục được cải thiện nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể tăng so với cùng kỳ. Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số vấn đề xã hội phát sinh gây lo lắng, bức xúc dư luận trong xã hội như: đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp, lừa đảo đất đai, ô nhiễm không khí...

Trong hai tháng cuối của năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm tháo gỡ, xử lý kịp thời những vướng mắc, hoàn thành thắng lợi toàn diện tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 2019, tạo dư địa chính sách cho năm 2020; tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách hành chính, tiếp tục cắt, giảm thực chất điều kiện kinh doanh không cần thiết; chú trọng thực hiện một số nội dung.

- Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán, theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ rủi ro chuyển vốn, rút vốn ra nước ngoài. Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung xử lý vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất trong phương án cổ phần hóa, quản lý chặt tài sản nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

- Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ các tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản, đối sách phù hợp và kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tập trung phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Văn phòng Ban Chỉ đạo 389) triển khai tích cực Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. 

- Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn, khuyến cáo có phương án tái đàn hợp lý, tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm nguồn cung thịt cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản.

Về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2019 

- Về chương trình công tác: Các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo để hoàn thành 40/373 đề án nợ đọng. Đồng thời bảo đảm tiến độ Chương trình công tác tháng 11 (58 đề án), tháng 12/2019 (79 đề án).

-  Về văn bản quy định chi tiết: Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan theo nhiệm vụ được phân công trực tiếp chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện 10 Nghị định còn nợ đọng, không để nợ kéo dài và tạo khoảng trống pháp lý. Chủ động xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định trước ngày 15/11/2019 để có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, ban hành 12 Nghị định trước ngày 15/5/2020 để có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và 33 Thông tư của các Bộ.

Về chỉ số môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành:

- Các bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc hoặc xếp hạng thấp và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tổ công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ này.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện Môi trường kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đồ án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý 1/2020.

Trong tháng 11/2019, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp. với các bộ rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các luật, pháp lệnh báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các Nghị định, Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM