8 vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản đã được rà soát để tháo gỡ

(vasep.com.vn) Tại cuộc họp ngày 1/4/2019 nhằm rà soát các quy định gây khó khăn, vướng mắc cho các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, Bộ NN&PTNT và các Bộ có liên quan đã ghi nhận, tháo gỡ và sẽ sửa đổi, ban hành một số văn bản giải quyết các kiến nghị của VASEP.

Tại cuộc họp này, có 24 vấn đề (trong đó có 8 vấn đề ảnh hưởng tới hoạt động SX, XK thủy sản) liên quan đến cơ chế, chính sách, rào cản hành chính đang được quy định tại các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: NN&PTNT (13 kiến nghị), Tài chính (06 kiến nghị), Tài nguyên và Môi trường (02 kiến nghị); Y tế (02 kiến nghị); Khoa học và Công nghệ (01 kiến nghị) đã được đưa ra.

Trước cuộc họp này, hai vướng mắc lớn ngay đầu năm 2019 của các DN kinh doanh, XK hải sản khai thác là: thực hiện quy định về kiểm soát nguồn gốc thủy sản NK tại Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT và thực hiện quy định về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT đã được Lãnh đạo Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo và đốc thúc các đơn vị chức năng trực thuộc tích cực tìm cách tháo gỡ.

Về kiến nghị xem xét sửa đổi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sắp ban hành) cho phép việc kê khai và nộp tất cả các loại thuế liên quan đến phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa đối với hàng thủy sản gia công, sản xuất XK được nộp cho cơ quan thuế nội địa chứ không phải phân chia danh mục và nộp cho hai cơ quan (Cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan) như hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện và không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Tài chính nên tiếp thu kiến nghị này của VASEP để sao cho vừa đảm bảo hài hòa trong quản lý và tạo điều kiện cho DN nộp thuế ở cơ quan thuận lợi nhất.

Bộ Tài chính cũng cần xem xét để các cơ quan trong ngành tài chính thông quan điện tử với nhau không chỉ theo “chiều dọc” mà còn theo “chiều ngang”, từ cửa khẩu tới cảng, từ cơ quan hải quan tới cơ quan thuế. Không để tình trạng DN phải đi nhiều cửa làm thủ tục, không để tình trạng 1 mặt hàng phải chạy qua chạy lại 2 cơ quan để nộp thuế. Đại diện Bộ Tài chính tiếp thu kiến nghị này của VASEP và sẽ sửa nội dung này trong dự thảo Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP phát biểu tại cuộc họp ngày 1/4 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ

Về vướng mắc trong việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đang khiến các sản phẩm thủy sản không được công nhận là hàng “chế biến” mà chỉ là hàng “sơ chế” và tỷ lệ phải nộp thuế là 20% - không đúng với bản chất chế biến của ngành. Và kể cả hàng gia công, giá trị nguyên liệu (là của đối tác thuê gia công) cũng không được các cơ quan quản lý nhà nước tính vào giá thành sản xuất hàng hóa của DN nên sản phẩm không được hưởng ưu đãi thuế. Đối với vướng mắc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất khái niệm “hàng sơ chế” và “hàng chế biến” để có quy định rõ và đúng bản chất của hàng hóa để được ưu đãi thuế.

Đối với khó khăn trong việc thực hiện quy định về ghi nhãn hàng hóa liên quan đến các dòng hàng đặc thù của thủy sản (nhập hàng xô-xá đông lạnh từ quá trình khai thác về...), VASEP đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn trong quý II/2019, trong đó có hướng dẫn với các dòng hàng đặc thù theo thông lệ thương mại quốc tế như hàng thủy sản. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, Bộ đang tiếp tục xin ý kiến các Bộ ngành có liên quan, các Hiệp hội, DN về dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 43, dự kiến tháng 11/2019 sẽ ban hành văn bản này.

Về đề nghị của VASEP đối với Bộ Tài nguyên Môi trường về việc sớm soát xét, ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015, trong đó xem xét nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho vào trong dự thảo QCVN 11: 2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40-50 mg/l và giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Nitơ như QCVN 11:2015; đồng thời quy định lộ trình áp dụng phù hợp cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế (như trường hợp của Mỹ là 10 năm) để các DN chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ cần thời gian khảo sát thêm đối với các nhà máy chế biến thủy sản chưa thực hiện được quy định về ngưỡng cho phép chỉ tiêu phospho, tuy nhiên, Bộ đồng tình về việc sẽ có lộ trình áp dụng QCVN mới cho các DN có chuẩn bị.

Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/4/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra tháng 3 của Tổ công tác.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 - Ảnh: Văn phòng Chính phủ

Những vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp là một nội dung báo cáo được chú ý của Tổ công tác tại phiên họp này.

Trong đó, Tổ công tác cũng đề xuất Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định về ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa, hoàn thành trong tháng 4/2019.

Bộ Y tế khẩn trương trình sửa đổi quy định bất cập về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo hướng không quy định bắt buộc mà khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng muối i-ốt.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị  định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, hoàn thành trong quý II/2019.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM