Đầu năm bàn chuyện con tôm

Trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu được xác định là một trong 3 trụ cột chính cho phát triển kinh tế. Đây chính là lợi thế hàng đầu của Bạc Liêu, quyết định đến tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết các vấn đề về thu nhập, việc làm cho người lao động.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi công nghiệp.

Thế mạnh đặc thù

Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có tổng diện tích tự nhiên 267.000ha, với 3 tiểu vùng sinh thái (mặn, ngọt, lợ) và đây chính là thế mạnh đặc thù cho phát triển con tôm. Trong đó, có trên 140.000ha canh tác nuôi trồng thủy sản (NTTS), chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Sản lượng tôm nuôi đứng thứ 2 cả nước và trở thành tỉnh có quy mô và sản lượng tôm giống lớn (trên 35 tỷ con/năm) và hằng năm cung cấp gần 50% sản lượng giống cho khu vực ĐBSCL cùng 30% thị phần giống cả nước.

Năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt hơn 507.140 tấn, tăng 16,35% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm nuôi được thu về từ nhiều mô hình sản xuất tiếp tục được đầu tư và nâng chất như: mô hình tôm thâm canh - bán thâm canh; tôm quảng canh cải tiến - kết hợp; tôm - rừng và tôm - lúa. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) là mô hình tạo ra sản lượng tôm nguyên liệu chiếm 1/3 tổng sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thời gian qua mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC cho hiệu quả khá cao và ổn định. Theo đó, mô hình này cho năng suất khá cao (từ 10 - 15 lần) so với mô hình nuôi tôm thông thường (đạt khoảng 17 tấn/ha) và sản lượng tập trung với số lượng lớn (trên 70.000 tấn/năm) nên rất phù hợp cho nhu cầu xuất khẩu.

Với các ưu thế nêu trên, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC có tốc độ phát triển rất nhanh, từ 76ha năm 2015 tăng lên 5.590ha vào năm 2023 (tăng 56 lần). Đến nay, toàn tỉnh có 25 công ty, đơn vị và hơn 830 hộ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh với nhiều quy trình kỹ thuật mới được áp dụng như: ương nuôi 2 - 3 giai đoạn; nuôi tuần hoàn nước trong nhà kín. Trong đó, có 5 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và hơn 310 hộ được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong NTTS.

Để thúc đẩy mô hình phát triển ổn định và bền vững, tạo ra nguồn nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Trong đó, xác định Khu nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu là đơn vị nòng cốt để hỗ trợ phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay, khu này đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và tuyển chọn 9 doanh nghiệp đầu tư vào đây…

Chế biến tôm xuất khẩu tại Nhà máy Việt - Úc (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Còn nhiều "nút thắt"

Con tôm tuy được xác định là kinh tế mũi nhọn, nhưng để nâng cao giá trị sản phẩm tôm nuôi cũng đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, nuôi thương phẩm đến thu mua, sơ chế và chế biến xuất khẩu mặt hàng giá trị gia tăng…

Bởi nhìn vào chuỗi giá trị nêu trên, vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn tại, cần có ngay các giải pháp bền vững để giải quyết. Đó chính là hàng loạt các “nút thắt” và bức xúc cần được quan tâm như: Công tác quy hoạch vùng nuôi hiện nay đang triển khai nhưng chưa ổn định; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, cộng với thời tiết thay đổi thất thường như mưa trái mùa, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, mùa khô nắng nóng khiến độ mặn nhiều nơi tăng cao trên 25‰ gây khó khăn cho sản xuất; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ (hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh - bán thâm canh mới đạt gần 40% diện tích nuôi và mức độ ổn định trong cung cấp chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; hệ thống thủy lợi - thủy nông nội đồng bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô...).

Ngoài ra, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao, nhất là các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC do đây là mô hình có lượng nước thải, chất thải rất lớn trong khi đầu tư và ứng dụng quy trình công nghệ cho xử lý chất thải còn hạn chế. Việc định hướng, tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trong dân còn chậm, chưa theo kịp xu thế phát triển; giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như thức ăn viên luôn ở mức cao, trong khi đó giá tôm thương phẩm bán ra không ổn định nên hiệu quả sản xuất thấp. Có nhiều dự án, đề án phát triển nuôi tôm CNC, tuy nhiên nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, nên hạ tầng phục vụ NTTS chưa đáp ứng yêu cầu, việc huy động các nguồn lực của người dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế…

Tất cả những “nút thắt” và khó khăn này phải được tập trung tháo gỡ quyết liệt trong năm 2024 thì thế mạnh cho con tôm mới được phát huy. Cũng như, mới tạo được những tiền đề trong xây dựng nên chuỗi giá trị sản xuất và những liên kết bền chặt hơn, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng và cả những ưu đãi trong thu hút, mời gọi đầu tư để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho con tôm Bạc Liêu.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: ​Phát triển chuỗi giá trị ngành tôm 

Để khai thác và phát huy giá trị  mang lại từ con tôm, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và áp dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là CNC. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” gắn với thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào (giống, vật tư sản xuất) và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế và nhân rộng các hình thức liên kết này, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả, bền vững theo Nghị quyết 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo báo Baclieu.vn

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm