Minh Phu Corp: Biến thách thức thành cơ hội

(vasep.com.vn) Tại hội thảo "Rà soát chính sách phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long” ngày 15/3/2016, tại TP Cần Thơ, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú (Minh Phu Corp), đã có bài tham luận về hiện trạng và những trăn trở của ngành nuôi trồng thủy sản VN nói chung và ngành nuôi-chế biến-XK tôm nói riêng, kèm theo những đề xuất và kiến nghị với 8 nội dung: Quy hoạch vùng nuôi; Con giống; Thức ăn; Quy trình và công nghệ nuôi; Dịch vụ và cung ứng dụng cụ, vật tư, thuốc, vi sinh và thức ăn; Kiểm tra, giám sát quá trình nuôi; Thu hoạch muối ướp, bảo quản và vận chuyển; Chế biến và xuất khẩu. (Đã được đăng tại chuyên mục Tôm, bản tin số 10 ra ngày 18/3/2016).

Trước những bất cập của ngành tôm Việt Nam, Minh Phu Corp đã và đang thực hiện các giải pháp quan trọng để biến thách thức thành cơ hội.

Trong hơn 2 năm qua Minh Phu Corp đã thành lập Chuỗi cung ứng tôm Minh Phú để giám sát và kiểm soát quá trình nuôi từ con giống, thức ăn, nuôi, giám sát thu hoạch, hướng dẫn nuôi ướp; đến khâu vận chuyển tôm về nhà máy. Vì thế sản phẩm tôm của Minh Phú không bị nhiễm vi sinh, kháng sinh và đạt tiêu chuẩn VSATTP của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada và EU.

Nhưng vì giá tôm của Việt Nam còn quá cao so với các nước Indonesia và Ấn Độ nên dù tôm của Minh Phú đã đạt tiêu chuẩn ATVSTP của các nước NK, đạt các quy định khắt khe của các hệ thống trong siêu thụ nhưng vẫn không cạnh tranh được với 2 nước trên. Để giải quyết bài toàn khó này, Minh Phu Corp phải: Xây dựng và đưa vào ứng dụng các quy trình nuôi tôm với giá thành thấp, tỷ lệ thành công cao trên 60%. Đó là các mô hình: Tôm rừng, tôm quảng canh, tôm lúa, tôm – cá rô phi, tôm  copefloc; tôm nuôi với mật độ thấp; tôm thâm canh (tôm công nghiệp).

Để cạnh tranh với đối thủ trong thế giới phẳng và môi trường toàn cầu, Minh Phú chọn con đường của mình là “tạo giá trị khác biệt cho tôm Minh Phú và tôm Việt Nam”. Đó là việc xây dựng chuỗi giá trị tôm có trách nhiệm, đảm bảo: Trách nhiệm với môi trường, với người lao động, với xã hội và an sinh xã hội, trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, về VSATTP của sản phẩm và dịch vụ do mình cung cấp; kinh doanh trong môi trường công bằng; chịu trách nhiệm về sản phẩm và dịch vụ của mình đã cung cấp cho thị trường và xã hội.

Chuỗi giá trị tôm ở đây là sự hợp tác và liên kết tất cả các khâu sản xuất tôm như: Tôm bố mẹ - tôm giống - thức ăn – nuôi tôm – chuỗi cung ứng – chế biến và xuất khẩu - Logistic – phân phối và bán lẻ - chứng nhận tôm giống, thức ăn, nuôi tôm, chế biến và bán lẻ. Sự liên kết hợp tác này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng của các khâu mà từ đó tạo ra Giá trị khác biệt.

Thực tế cho thấy các sự hợp tác và liên kết theo dạng tổ hợp tác, HTX hay chuỗi cung ứng… trong thời gian qua chưa bền vững và chưa mang lại lợi ích cho các đối tác tham gia, cũng như chưa mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, Minh Phú đã đưa ra một mô hình: “Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm rừng có trách nhiệm” và “Doanh nghiệp xã hội chuỗi giá trị tôm lúa có trách nhiệm”. Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên kết các hộ nuôi tôm hướng đến các mục tiêu về xã hội và môi trường, xóa đói giảm nghèo và tiến tới mục tiêu giàu cho các hộ nuôi tôm.

(Trích Bài tham luận của ông Lê Văn Quang – Tổng GĐ Minh Phu Corp) 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • T1
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm