Việt Nam sẽ đàm phán Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Tại Triển lãm Quốc tế thủy sản được tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, có nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Việt Nam sẽ đàm phán Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ hai từ trái sang) tham quan các gian hàng thủy sản XK tại Triển lãm Quốc tế thủy sản. Ảnh: T.H

Thưa Thứ trưởng, ngành thủy sản đang bứt phá trong những tháng cuối năm, vậy công tác xúc tiến thương mại trong giai đoạn này như thế nào?

- Trong 7 tháng của năm 2024, tổng sản lượng thuỷ sản của cả nước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác thuỷ sản ước đạt 2.303,7 nghìn tấn, tăng 0,9%, đạt 65% kế hoạch năm 2024; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2023 và đạt 55,7% kế hoạch năm 2024.

Với đà này, cộng thêm các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, doanh nghiệp tăng cường mở rộng thêm nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường ngách, thị trường Halal – đây là một thị trường có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Năm 2023, thị trường này nhập khẩu hơn 9,3 triệu tấn sản phẩm thủy sản, năm nay chắc chắn sẽ hơn. Sản lượng hơn, xuất khẩu hơn thì chúng ta sẽ về đích, đạt được kế hoạch năm 2024. Qua đó, sang năm 2025 sẽ tạo tiền đề để ngành thủy sản về đích theo kế hoạch xuất khẩu trong giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện nay, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường này?

- Đối với thị trường Trung Quốc hơn 1,4 tỷ dân, không chỉ quan trọng với thủy sản mà cả ngành nông sản. Thị trường Trung Quốc luôn đứng nhất, nhì, với giá trị xấp xỉ trên 21 tỷ USD, đây là lợi thế rất lớn, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm phán để có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu.

Mới đây, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày 19/8/2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa nông sản sang thị trường này. Nhưng thủy sản đến nay chưa ký được. Như vậy, đối với thị trường hết sức tiềm năng như Trung Quốc, về lâu dài để mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng ta phải cố gắng hướng tới đàm phán, ký kết được Nghị định thư xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản.

Đợt kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) sắp tới nếu vượt qua sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu hải sản của DN Việt Nam thế nào, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, “thẻ vàng” IUU bị áp cho hải sản Việt Nam từ 23/10/2017 đến nay đã gần 7 năm, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Chúng ta vẫn rất nỗ lực, cố gắng để khắc phục. Bộ NN&PTNT cùng với các Bộ, ngành triển khai rất quyết liệt và tích cực các giải pháp chống khai thác IUU. Đoàn thanh tra lần thứ tư của EC cũng đã ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khi chúng ta bị áp “thẻ vàng” đã hạn chế một số sản phẩm vào châu Âu- thị trường rất quan trọng của thủy sản Việt Nam. Mặt khác, còn ảnh hưởng đến một vài thị trường nữa. Như vậy, việc khắc phục “thẻ vàng” đang được thực hiện rất quyết liệt để vượt qua lần kiểm tra sắp tới của EC.

Vậy cơ chế chính sách cho việc gỡ “thẻ vàng” IUU cũng như phát triển xuất khẩu đối với ngành thủy sản như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Đối với việc gỡ “thẻ vàng” IUU, hiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không còn thiếu cái gì. Khung pháp lý đến nay đã cơ bản được hoàn thiện với Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được sửa đổi, bổ sung theo khuyến nghị của EC. Ban Bí thư đã có Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào. Hiện 11 đề án và các giải pháp đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thực hiện đến hết năm 2025 và đến năm 2030. Như vậy, môi trường và cơ sở pháp lý rất đầy đủ; Thủ tướng Chính phủ cũng đã họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và ngân hàng với gói 15.000 tỷ đồng, hết gói này lại thêm gói 15.000 tỷ đồng nữa. Như vậy, với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp... sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Xin cảm ơn ông!

( Theo haiquanonline.vn) 

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục