Doanh nghiệp thủy sản niêm yết đã qua giai đoạn nguy khó?

Dù trải qua quý đầu năm chưa mấy thuận lợi, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 sẽ tốt hơn so với năm trước, thể hiện rõ qua mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp cũng đang hướng đến các kế hoạch đầu tư mới cũng như nâng cấp mở rộng cơ sở hạ tầng hiện có.

Kết quả kinh doanh quý 1 phân hóa giữa nhóm tôm và cá tra

Theo thống kê của VietstockFinance, tổng lãi ròng của 11 doanh nghiệp thủy sản đạt hơn 302 tỷ đồng trong quý 1/2024, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp tôm và cá tra, đặc biệt là nhóm đầu ngành.

Doanh nghiệp thủy sản niêm yết đã qua giai đoạn nguy khó

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm đạt 686 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp như Thực phẩm Sao Ta (FMC: HOSE) và Camimex Group (HOSE: CMX) cũng tích cực hơn, từ đó lần lượt báo lãi ròng gần 50 tỷ đồng và 24 tỷ đồng, cùng tăng 14%.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) lãi hơn 7 tỷ đồng ở quý 1, cùng kỳ lỗ 97 tỷ đồng, nhờ kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống và tôm thương phẩm thuộc Tập đoàn trong kỳ bắt đầu có hiệu quả.

Ngược chiều với nhóm tôm, doanh nghiệp cá tra có kết quả kém khả quan. Trong đó, lãi ròng quý đầu năm của CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) giảm đến 82%, còn 17 tỷ đồng, do sản lượng và giá bán giảm. Tương tự, lãi ròng của “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) sụt 23%, về gần 170 tỷ đồng. Còn CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) lãi ròng 14 tỷ đồng, lùi 6%. Tình hình kinh doanh kém lạc quan của nhóm đặt trong bối cảnh xuất khẩu cá tra quý 1 của Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ, còn 411 triệu USD, theo dữ liệu từ VASEP.

Vài doanh nghiệp khác thuộc nhóm thủy sản, ở quy mô nhỏ hơn, có kết quả đáng ghi nhận như Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL), Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1) hay Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT) lần lượt có lãi ròng đạt 2.3 tỷ đồng (+21%), 3.9 tỷ đồng (+77%) và 11.2 tỷ đồng (+21%); CTCP Kiên Hùng (HNX: KHS) chuyển từ lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng cùng kỳ sang lãi gần 6 tỷ đồng trong quý 1; trái lại, Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) chuyển từ lãi thành lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng.

Kế hoạch 2024 lạc quan, nhiều dự án đầu tư mở rộng đang chờ đợi

Kế hoạch 2024, các doanh nghiệp như ANV hay IDI đều thiết lập mục tiêu tăng bằng lần so với năm trước, chủ yếu do mức nền so sánh thấp. Trong khi đó, VHC lại thận trọng xây dựng hai kịch bản kinh doanh.

Cụ thể, trong kế hoạch trình ĐHĐCĐ (dự kiến tổ chức ngày 29/6), ANV thiết lập mục tiêu doanh thu 5,000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023 và lãi sau thuế 306 tỷ đồng, gấp 8 lần. ĐHĐCĐ thường niên 2024 của IDI thông qua chỉ tiêu doanh thu 8,499 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng, cao hơn 18% và gấp hơn 3 lần so với năm 2023.

Đối với Vĩnh Hoàn, trong kịch bản cơ bản, doanh thu hợp nhất đạt 10,700 tỷ đồng (+7%) và lãi ròng 800 tỷ đồng (-13%); còn trong kịch bản cao, hai chỉ tiêu này lần lượt là 11,500 tỷ đồng và 1,000 tỷ đồng, tương ứng tăng 15% và 9%.

Ngoài ra, Vĩnh Hoàn dự chi 930 tỷ đồng cho đầu tư mở rộng, với nhiều hạng mục như nâng cấp tăng công suất sản xuất collagen và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen; đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị cho giai đoạn 1 của nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy thức ăn thủy sản Feedone, nhà máy Sa Giang. Ngoài ra, VHC còn dự định đầu tư mở rộng vùng nuôi; đầu tư mới, cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình và Vĩnh Hoàn.

IDI không nêu kế hoạch đầu tư mở rộng lớn như Vĩnh Hoàn, nhưng các dự án của Công ty được thể hiện trong báo cáo thường niên 2023 như dần hoàn thiện thủ tục pháp lý xây dựng thêm nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kế 180 tấn nguyên liệu/12 giờ/ngày, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2025.

Việc này cũng đặt ra vấn đề phải đầu tư mở rộng, nâng công suất hoạt động của nhà máy bột cá - dầu cá thuộc sở hữu của một công ty con là CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản (Trisedco), để tiếp nhận nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nhà máy của IDI. Đồng thời, Công ty cũng đang dần hoàn thiện kế hoạch xây nhà máy sản xuất bao bì thủy sản với quỹ đất sẵn có trong khuôn viên cụm công nghiệp Vàm Cống.

Các doanh nghiệp tôm cũng có nhiều dự án đầu tư thời gian tới. Đối với CMX, dự kiến trong quý 2 có thể đưa vào hoạt động 2 dự án đầu tư. Một là nhà máy xí nghiệp 1 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, hoàn toàn là đầu tư mới, công suất 5,400 tấn/năm, nhằm mở rộng quy mô sản xuất mặt hàng mới. Hai là nhà máy Thủy sản Bến Tre, có được từ trúng thầu đấu giá vào tháng 11/2023 với tiến độ dự án 100%, quy mô 20,966 tấn/năm, nhằm tăng năng lực sản xuất sản phẩm mới; tổng mức đầu tư gần 203 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2024, CMX dự chi 300 tỷ đồng để đầu tư nuôi thủy sản công nghệ cao, quy mô 16.7ha về diện tích mặt đất và mặt nước, công suất sản xuất 3,000 tấn/năm; và 120 tỷ đồng đầu tư vào kho lạnh 6,000 tấn.

Kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế năm 2024 của CMX lần lượt là 2,500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và 57% so với năm trước. ĐHĐCĐ Công ty dự kiến tổ chức vào ngày 13/6 tới.

Đối với MPC, Công ty không có kế hoạch đầu tư trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 (tổ chức ngày 13/6). Tuy nhiên, hồi tháng 11/2023, HĐQT MPC thông qua đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau với quy mô 17.7ha, tổng mức đầu tư gần 633 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm như nhà máy Khánh An, phân xưởng sản xuất tôm tẩm bột tại nhà máy Minh Phú Hậu Giang, đường ống nước biển cho hồ nuôi tôm tại Kiên Giang.

Năm nay, Minh Phú dự tính doanh thu gần 18,569 tỷ đồng, tăng 72% so với kết quả năm trước. Lãi trước và sau thuế lần lượt đạt 1,385 tỷ đồng và gần 1,266 tỷ đồng.

Về định hướng kinh doanh năm 2024, MPC cho biết sẽ hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo Công nghệ sinh học MPBiO, mục tiêu đến năm 2035 sản xuất được 15 tỷ post. Đồng thời, cũng hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ này, phấn đấu đến năm 2035, MPC tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của Công ty.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện kế hoạch trong quý đầu năm chưa tích cực, nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Các số liệu xuất khẩu mới nhất đã phần nào mang đến tin vui cho nhóm này, nhất là đối với những doanh nghiệp cá tra.

Theo VASEP, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản tăng 6% so với cùng kỳ, mang về 2.7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 974 triệu USD, tăng 10%; cá tra đạt 580 triệu USD, tăng 2%.

Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023, với thị trường nhập khẩu nhiều nhất là Mỹ.

Tình hình thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp thủy sản
Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: Tổng hợp

(Theo vietstock.vn )

Chia sẻ:


Email: tannd@vasep.com.vn
Điện thoại

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục