Chỉ vì “khái niệm sản phẩm sơ chế”: nhiều DN không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

(vasep.com.vn) Ngày 16/6/2020, VASEP đã gửi Công văn số 85/2020/CV-VASEP tới Cục Thuế tỉnh Cà Mau về chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chế biến thủy sản.

Theo phản ánh của các DN VASEP tại tỉnh Cà Mau, ngày 5/6/2020, các DN thủy sản tại tại địa phương đã nhận được Thông báo số 1057/TB-CT của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản. Trong đó, vấn đề nổi cộm mà các DN phản ánh là việc áp dụng một số văn bản quy pháp pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục Thuế khiến cho đa số các sản phẩm thuỷ sản chế biến của các DN bị quy là “sơ chế” khiến các DN không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN.

Tại Hội nghị “Triển khai Kế hoạch Xuất khẩu Thủy sản 2019” ngày 16/2/2019 tại Tp Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, một trong các bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực thuế được các DN nêu lên là vướng mắc về ưu đãi thuế TNDN cho ngành chế biến thủy sản liên quan đến quy định và việc thực thi Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

Sau đó, vấn đề này cũng được VASEP báo cáo, kiến nghị rõ tại Công văn số 33/2019/CV-VASEP ngày 5/4/2019 tới Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nắm tình hình để có ý kiến với Chính phủ và Bộ Tài chính; cũng như được báo cáo tại cuộc họp ngày 01/4/2019 rà soát công tác CCTTHC, thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cho các nội dung liên quan đến nông nghiệp.

Ngày 19/9/2019, Hiệp hội VASEP gửi tiếp Công văn số 89/2019/CV-VASEP tới Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị ban hành danh mục sản phẩm chế biến liên quan đến thực hiện quy định ưu đãi thuế TNDN cho DN chế biến thủy sản. Theo đó, nhiều DN đang bị áp mức thuế suất thuế TNDN cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế TNDN 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất TNDN là 10% (Điều kiện KT-XH khó khăn) hoặc là 15% theo Khoản 5 Điều 11 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế):

Ngày 13/2/2018, mặc dù,Tổng cục Thuế đã có công văn số 1981/BTC-TCT gửi UBND tỉnh Kiên Giang, Tổng cục Thuế trả lời về chính sách thuế TNDN. Tuy nhiên, công văn số 1981/BTC-TCT hay một số các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính vẫn chưa có cơ sở vững chắc thế nào là sơ chế, và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”.

Và theo Khoản 4 và Khoản 16 Điều 2 của Luật An toàn Thực phẩm 2010 đã nêu khái niệm “sơ chế thực phẩm” và “chế biến thực phẩm” khác với hướng dẫn nêu trên của công văn 1981/BTC-TCT.

Nhằm thực hiện tốt chủ trương khuyến khích phát triển nông, thủy sản của Nhà nước, giúp việc hiểu và áp dụng thống nhất qui định ưu đãi về thuế TNDN giữa cơ quan Quản lý Nhà nước và DN, góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong thời gian chờ văn bản chính thức của Bộ NN&PTNT về phân biệt giữa sản phẩm sơ chế và chế biến, VASEP đề nghị Cục thuế tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết đối với DN có đăng ký ngành nghề kinh doanh: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản được ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ khi thỏa các điều kiện quy định.

Các sản phẩm chế biến, bảo quản của các nhà máy chế biến thủy sản đáp ứng định nghĩa “chế biến thực phẩm” tại Luật An toàn Thực phẩm 2010 được coi là hoạt động chế biến đúng nghĩa theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 96/2015/TT-BTC, không phải là hoạt động sơ chế.

Tạ Hà - Hoàng Yến

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục