Mỹ tăng mạnh nhập khẩu sò điệp từ Nhật Bản

(vasep.com.vn) Mỹ đang hướng tới tăng nhập khẩu sò điệp từ các thị trường Nhật Bản, Argentina và Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, theo số mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Chú thích ảnh

Cụ thể, Mỹ đã NK 17.903 tấn sò điệp, trị giá 261 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng lần lượt 19% và 49% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình đạt khoảng 14,6 USD/kg, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản là nước chiếm thị phần cao nhất trong số các nguồn cung sò điệp cho Mỹ với 33% thị phần. Theo đó, Mỹ đã NK 5.802 tấn sò điệp, trị giá 118,8 triệu USD từ quốc gia này trong 7 tháng đầu năm 2022, tăng 159% về khối lượng và 209% về giá trị so với 7 tháng đầu năm 2021. Tính riêng trong tháng 7/2022, Mỹ đã NK 388 tấn sò điệp, trị giá 6,8 triệu USD với giá trung bình là 17,4 USD/kg, tăng so với 260 tấn, trị giá 5,1 triệu USD nhưng lại thấp hơn mức giá trung bình là 19,50 USD/kg hồi tháng 7/2021.

Giá bán buôn sò điệp Nhật Bản đã giảm trong những tháng gần đây. Theo bảng giá ngày 8/9/2022, loại sò điệp khô Nhật Bản cỡ 14-16 con/kg có mức giá trung bình từ 16,8-17 USD/pao, thấp hơn 36% so với mức giá trung bình 26,3-46,8 USD/pao vào ngày 11/1/2022.

Ngược lại, giá sò điệp từ Trung Quốc hầu như không giảm từ đầu năm đến nay. Sò điệp cỡ 80-100 con/kg đạt mức 6-6,25 USD/pao vào ngày 8/9/2022, giảm 4% so với mức giá 5,8-6 USD/pao vào ngày 11/1/2022.

Trung Quốc chiếm 23% thị phần NK sò điệp của Mỹ theo khối lượng với 4.162 tấn, trị giá 25,6 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay. Argentina chiếm 16% với 2.814 tấn, trị giá 23,6 triệu USD và Canada chiếm 15% với 2.745 tấn, trị giá 67,6 triệu USD.

Sò điệp NK vào Mỹ và Canada là sò điệp biển Đại Tây Dương trong khi sò điệp Nhật Bản chủ yếu là giống Thái Bình Dương. Một số người tiêu dùng thích và quen ăn sò điệp Thái Bình Dương cho biết chúng có vị ngọt hơn và kết cấu khô hơn.

Trung Quốc từng là nguồn cung sò điệp lớn nhất cho Mỹ với giống sò điệp vịnh, một loại nhỏ hơn, rẻ hơn thường được sử dụng trong các món súp hoặc món nhồi. Tuy nhiên, các mức thuế do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018 đã gây ra một tác động lớn đối với việc NK từ Trung Quốc.

Nguyên nhân chính khiến Mỹ gia tăng NK sò điệp là do sản lượng khai thác nội địa giảm do những thay đổi hạn ngạch khai thác của hội đồng thủy sản khu vực và NOAA.

Trước đó, từ ngày 1/4 đến 31/8, 5 tháng đầu tiên của mùa vụ năm 2022, đội tàu của Mỹ đã đánh bắt được 18,9 triệu pao sò điệp, giảm 27% so với 25,8 triệu tấn trong 5 tháng đầu mùa vụ năm 2021. Đồng thời, Mỹ cũng XK nhiều sò điệp hơn trong 7 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, nước này XK 1.979 tấn, trị giá 45,2 triệu USD đến 50 quốc gia khác, tăng 8% về khối lượng và tăng 14% về giá trị so với mức XK trong 7 tháng đầu năm 2021. Thị trường NK lớn nhất sò điệp của Mỹ là EU và Anh.

Giá sò điệp Mỹ phục hồi

Giá sò điệp Đại Tây Dương cỡ trung bình tại Mỹ đang tăng trở lại sau thời gian dài giảm và dự kiến tiếp tục tăng.

Trong tuần 36/2022 (2-9/9/2022), giá cập cảng trung bình sò điệp cỡ thông thường 10-20 con đạt 15,6 USD/pao, giá ghi nhận tại chợ đấu giá New Bedford, Massachusetts, tăng 49% so với mức 10,5 USD/pao trong tuần 30 (25-31/7/2022).

Giá mặt hàng này đã tăng sau mức giảm 59% trong tuần 52/2021 (27/12/2021-2/1/2022).

Giá các loại hàng hóa tăng và nguồn dự trữ đang giảm dần nên người tiêu dùng sẽ có nhu cầu mua bổ sung, đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến giá sò điệp tăng.

Một ý kiến khác cho rằng, mức giá giảm trước đó khiến người tiêu dùng tăng nhu cầu mua sò điệp, điều này lại khiến giá cập cảng tăng.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục