Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km, có nhiều đầm, vịnh, vùng cửa sông, bãi triều, ngoài ra với đặc điểm khí hậu ít mưa, nhiều nắng, nhiệt độ trung bình năm luôn ở mức cao, độ mặn ổn định, môi trường biển sạch rất thích hợp cho nuôi biển.
NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận.
Ông có thể nêu cụ thể lợi thế và tiềm năng phát triển nuôi biển của Ninh Thuận?
Biển Ninh Thuận rất trong sạch, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn ổn định quanh năm và rất phù hợp với các đối tượng thủy sản nước mặn như cá mú, cá hồng Mỹ, cá giò, cá chim vây vàng, tôm hùm, ốc hương…
Ninh Thuận có vùng biển hở nên khả năng đối lưu nước biển rất tốt, không bị hiện tượng tù đọng nên giảm thiểu hiện tượng lắng tụ chất thải dưới nền đáy gây ô nhiễm cục bộ, giúp cho động vật thủy sản nuôi khỏe mạnh, hạn chế được sinh vật bám và bệnh, ngoài ra giao thông đường bộ, đường thủy đều rất thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, vật tư, con giống, thức ăn phục vụ cho hoạt động nuôi biển cũng như vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch.
Tỉnh Ninh Thuận chúng tôi đã xác định vùng C1, C2 tại vịnh Phan Rang với diện tích 340 ha là khu vực để phát triển nuôi biển. Ngoài ra, Ninh Thuận đã chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất giống các đối tượng nuôi biển phổ biến hiện nay như các loài cá biển, ốc hương; nguồn tôm hùm giống tại địa phương khá dồi dào, nghề khai thác tôm hùm giống tự nhiên khá phát triển…
Thực trạng nuôi biển của Ninh Thuận ra sao?
Với lợi nhuận cao từ các đối tượng nuôi biển, trong những năm qua người dân Ninh Thuận đã đầu tư mạnh để phát triển nghề nuôi biển.
Điển hình như nghề nuôi tôm hùm, là đối tượng có giá trị kinh tế cao và được nuôi tại Ninh Thuận từ khá lâu tại khu vực biển Vĩnh Hy, Đông Hải, Mỹ Tân.
Hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay diễn biến khá sôi động, tăng cả về quy mô lồng bè, năng suất, sản lượng.
Năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 310 lồng nuôi, đến năm 2018 toàn tỉnh có trên 1.700 lồng nuôi và hiện nay nhiều hộ nuôi đang tiếp tục đóng mới nên dự kiến số lượng lồng bè sẽ tiếp tục tăng. Sản lượng tôm hùm trong năm 2018 là 70 tấn.
Ông Nguyễn Khắc Lâm
Bên cạnh đó người dân trong tỉnh còn nuôi một số loài cá biển như: cá giò, cá chim vây vàng, cá mú trân châu... được xem là đối tượng nuôi mới có hiệu quả tại thời điểm hiện nay. Cá giò, cá chim bắt đầu được nuôi tại Ninh Thuận từ năm 2014 và thực tế cho thấy cá thích nghi và sinh trưởng tốt, năng suất thu hoạch cao.
Số lượng lồng nuôi cá biển tăng mạnh từ 220 lồng nuôi vào năm 2014 đến nay đã có trên 700 lồng, sản lượng thu hoạch 221 tấn nhờ giá bán cao và ổn định nên người dân nuôi rất hiệu quả.
Hình thức nuôi phổ biến là nuôi trong lồng nổi. Hiện nay tỉnh Ninh Thuận mới chỉ có một hộ ông Mai Thành Lễ (Cà Ná) đầu tư lồng nổi được thiết theo kiểu lồng Na Uy, chủ yếu được dùng để lưu giữ cá nuôi vào mùa gió đông - bắc để hạn chế tác động của sóng gió.
Vậy những khó khăn phát triển nghề nuôi biển hiện nay của Ninh Thuận là gì thưa ông?
Mặc dù nghề nuôi biển những năm qua phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần chuyển dịch từ đánh bắt sang nuôi trồng nhưng thực tế Ninh Thuận còn nhiều khó khăn vướng mắc đó là: Đối với nuôi lồng bè trên biển, các tiểu vùng nuôi trọng điểm thuộc vịnh Phan Rang với diện tích 340 ha nhưng là vùng biển hở, không có đảo che chắn nên vào mùa gió nam thường chịu ảnh hưởng của sóng to gió mạnh, kết cấu lồng bè theo kiểu truyền thống không chịu được điều kiện sóng gió nên người nuôi thường phải di chuyển lồng bè về tranh trú tại khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chữ.
Việc thường xuyên phải di chuyển lồng bè đến khu vực biển khác là không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch biển và khó khăn trong công tác quản lý.
Người nuôi gặp khó khăn về vốn để đầu tư lồng bè công nghệ Na Uy do chi phí đầu tư còn khá cao (trên 300 triệu/lồng).
Các hộ nuôi vẫn theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết theo chuỗi giữa người nuôi, nhà cung cấp vật tư đầu vào (con giống, thức ăn) và nhà thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Sau khi loạt bài nuôi biển đăng trên NNVN, ông đánh giá ra sao và có thể áp dụng mô hình cho Ninh Thuận không?
Thực tiễn sản xuất cho thấy, hầu hết các đối tượng nêu trong loạt bài “Đỉnh cao nuôi biển” đều có thể nuôi, sinh trưởng và phát triển rất tốt tại vùng biển Ninh Thuận.
Môi trường biển Ninh Thuận sạch rất thích hợp cho nuôi biển
Đây đều là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, chủ động được con giống sản xuất nhân tạo, quy trình kỹ thuật nuôi đã khá hoàn thiện, thậm chí một số đối tượng có thể được nuôi thâm canh hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp, có thị trường tiêu thụ ổn định và không ngừng mở rộng, xuất khẩu sang một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Các mô hình trên là những mô hình nuôi tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của nghề nuôi biển trên thế giới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và môi trường, đảm bảo cả 3 yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Với một số điều kiện rất thuận lợi như: thời tiết khí hậu, môi trường biển, diện tích khu vực biển rộng lớn đã được xác định cho phát triển nuôi biển, hạ tầng giao thông, nguồn cung ứng thức ăn, con giống… các mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng được tại Ninh Thuận nếu người nuôi được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư lồng bè theo công nghệ hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Định hướng nuôi biển
Thời gian vừa qua nuôi trồng thủy sản biển (nuôi biển) đã phát triển khá nhanh, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản. Hiện nay Bộ NN-PTNT đang xây dựng “Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để đảm bảo phát triển nuôi biển đúng định hướng Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII, kỳ họp thứ 8, Sở NN-PTNT Ninh Thuận sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, phát triển nuôi biển như sau:
Tập trung mọi nguồn lực, hướng đến mục tiêu mà Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo đã đề ra.
Theo đó, tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất.
Tăng cường phối hợp với các Trường, Viện thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng, cải tiến công nghệ nuôi và công nghệ sản xuất lồng để thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, chuyển dần sang sử dụng thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn lao động, an toàn sinh học, sức tải môi trường ở vùng gần bờ, ven đảo; ổn định dần các mô hình sản xuất tại vùng C1, C2. Phát triển nuôi trồng có chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, có thể truy xuất nguồn gốc.
Thời gian tới Ninh Thuận ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp nuôi biển vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển.
Giai đoạn 2019 – 2020 xem xét triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi giá trị nuôi biển phù hợp với quy định của nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương. Từ năm 2020 trở đi phát triển mạnh nuôi biển tại vùng C1, C2, vùng xa bờ với các doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
(Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận).
|
(Theo NNVN)