Theo Tổng cục Thủy sản, vụ cá Bắc vừa qua ngành đánh bắt thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn bủa vây.
Ngày 16/5, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và tiêu thụ hải sản năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mọi mặt.
Từ tháng 10/2019 đến hết tháng 4/2020, diễn biến thời tiết thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy sản, các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ như cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Thêm vào đó, giá nhiên liệu giảm mạnh góp phần giảm chi phí sản xuất cho ngư dân, nhất là các nghề tiêu hao nhiên liệu lớn. “Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác hải sản đạt 1,18 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8%”, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho hay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra Cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên)
Tuy nhiên, trong quý I/2020, xuất khẩu hải sản đạt 658,6 triệu USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ giảm 10%, mực và bạch tuộc giảm 24%; xuất khẩu các loại cá biển khác giảm 0,8%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 4%, chỉ cua, ghẹ và giáp xác khác xuất khẩu tăng mạnh đến 33%.
Ấy vậy nhưng thực tế trên không có gì đáng buồn, bởi, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, xuất khẩu hải sản của ta đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở. “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không ngoại lệ. Thế nhưng các chỉ tiêu về lương thực, thực phẩm mà Quốc hội, Chính phủ giao ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo chỉ tiêu. Ví như 43,5 triệu tấn thóc, 8,5 triệu tấn thủy sản, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 1,2 triệu tấn sữa và 4,6 triệu quả trứng chúng ta vẫn hoàn thành. Riêng mặt hàng thủy sản, sau khi giãn cách xã hội đã được nới lỏng ở một số quốc gia, Bộ NN-PTNT đã kịp thời triển khai ngay 2 hội nghị về cá tra và tôm và giờ là hội nghị về hải sản. Những hội nghị nói trên đã làm rõ trong khó khăn chúng ta vẫn có cơ hội. Đơn cử, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19, trong khi đây là thị trường tiêu thụ hải sản của Việt Nam khá lớn. Mỹ, Đức và một số thị trường khác ở châu Âu cũng đang khởi động trở lại, đây là cơ hội cho xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Trong khi đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 một số nước đã suy giảm năng lực sản xuất và xuất khẩu, là lối mở cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam”.
Thứ trưởng Phùng ĐứcTiến bàn bạc với lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng Phú Yên những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới cho ngành thủy sản
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần phải nâng cao năng lực khai thác, bảo quản và chế biến thủy sản để chinh phục các thị trường khó tính.
Theo Tổng cục Thủy sản, tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản hiện nay khoảng 15 - 20%, trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất; các nghề lưới vây, chụp mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ít hơn nhưng cũng đến 12-15%. Hiện việc bảo quản thủy sản vẫn chủ yếu bằng phương pháp làm lạnh bằng nước đá, muối ăn và phơi khô. “Một số địa phương đã triển khai mô hình làm hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan giúp giảm hao hụt chất lượng sản phẩm thu hoạch; giảm hao hụt đá lạnh bảo quản sản phẩm từ 18% xuống còn 10% và kéo dài thời gian bảo quản để bám biển từ 4 - 6 ngày, nhưng con số này còn thấp”, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, chia sẻ.
Đánh bắt hải sản đang thuận lợi.
Sản phẩm khai thác từ biển nếu không đảm bảo chất lượng thì dù ngành chế biến của nước ta có hiện đại đến cỡ nào cũng không thể làm giảm thất thoát sau thu hoạch và đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới. Do đó, dù cơ hội xuất khẩu hải sản của Việt Nam đang rộng mở, nhưng muốn chớp thời cơ này, tôi đề nghị ngành chức năng các địa phương hướng ngư dân đánh bắt tuân thủ nghiêm các khuyến nghị của EU để đi đến thắng lợi toàn diện. (Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến)
(Theo NNVN)