Bình Định: Cảng cá tổng hợp khu E đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá Hoài Nhơn

UBND thị xã Hoài Nhơn chủ trương đầu tư xây dựng công trình Cảng cá tổng hợp khu E tại khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá và tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho ngư dân, nâng cao chất lượng phục vụ với mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Hoài Nhơn trong tương lai.

Ngành đánh bắt hải sản xa bờ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Toàn thị xã có khoảng 2.300 tàu đánh cá, có tổng công suất trên 653.200CV đang hoạt động trên khắp ngư trường biển trong cả nước. Sản lượng đánh bắt hải sản khoảng 42.400 tấn/năm.

Bình Định Cảng cá tổng hợp khu E đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá Hoài Nhơn
Nhà điều hành Ban quản lý Cảng cá Tam Quan

Cảng cá Tam Quan là một trong ba cảng cá lớn của tỉnh Bình Định, nằm ở khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc tiếp nhận khoảng 1.200 lượt tàu trong và ngoài tỉnh. Nơi đây diễn ra hoạt động mua bán hải sản, tiếp nguyên liệu và cung cấp thực phẩm, vật tư rất tấp nập nhưng hệ thống dịch vụ hậu cần (sơ chế biến, kho lạnh, cung cấp nhiên liệu nhu yếu phẩm, đóng mới sửa chữa tàu thuyền) tại khu neo đậu chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, gây ra tình trạng mất an toàn về an ninh, cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, khâu dịch vụ sau đánh bắt là một trong những khâu quan trọng phục vụ cho hoạt động đánh bắt xa bờ. Việc đầu tư công trình Hạ tầng Cảng cá tổng hợp khu E ở khu phố Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc là cần thiết và phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay để đáp ứng cảng cá loại II.

Hoài Nhơn có khoảng 2.300 tàu đánh cá, có tổng công suất trên 653.200CV 

Từ năm 2019, UBND thị xã Hoài Nhơn đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng cá tổng hợp khu E do UBND thị xã làm chủ đầu tư, trên tổng dịch tích 10.714,46m2 (1,07ha), dự kiến tổng mức đầu tư công trình 12.689.762.000 đồng. Hiện tại đã hoàn thành xong phần kè đứng cập tàu có chiều dài 296m. Chủ đầu tư đang tiếp tục thực hiện các hạng mục nhà lồng, sân bãi, hệ thống điện đảm bảo tiêu chí cảng cá loại II.

Hiện tại đã hoàn thành xong phần kè đứng cập tàu có chiều dài 296m.

Dự án nhằm từng bước nâng cấp và phát triển hệ thống cảng cá; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ biển thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng.

Dự án có ý nghĩa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần cho người dân

Chia sẻ với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho biết: Công trình Hạ tầng Cảng cá tổng hợp khu E sẽ xây dựng mới khu thu mua và dịch vụ thủy sản theo lối tập trung và hiện đại. Từ đó giải quyết được tình trạng quả tải của Cảng cá Tam Quan và khâu dịch vụ thủy sản cho ngành khai thác đánh bắt xa bờ. Giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho một bộ phận người dân phường Tam Quan Bắc nói riêng và người dân thị xã Hoài Nhơn nói chung, tạo đà cho phát triển chung kết cấu hạ tầng toàn thị xã Hoài Nhơn, đáp ứng tốt yêu cầu xã hội hóa kinh tế, môi trường.

Ông Nguyễn Chí Công thông tin thêm: Dự án triển khai đi vào hoạt động sẽ đạt các mục tiêu: Xây dựng khu vực đấu nối tiếp nhận, tiêu thụ các sản phẩm đánh bắt và cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu thuyền của địa phương cũng như tàu vãng lai hoạt động đánh bắt trong ngư trường khu vực. Tạo cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động khuyến ngư, thúc đẩy phát triển đánh bắt xa bờ, bảo vệ nguồn lợi và hướng dẫn ngư trường, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Tạo nguồn cung ứng hàng hóa hải sản dồi dào cho các ngành chế biến thủy sản của địa phương cũng như cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hàng năm sẽ mang lại lợi nhuận, đóng góp ngân sách địa phương.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại bến neo đậu tàu thuyền như trước kia đã không còn khi xây dựng công trình Hạ tầng cảng cá tổng hợp khu E

Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần cho người dân, gắn phát triển thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, góp phần đưa thủy sản tỉnh Bình Định thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý với năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế khu vực và thế giới.

(Theo báo Tài nguyên & Môi trường)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục