Yêu cầu mới tại Ảrập Xêut sẽ gây khó khăn thêm cho xuất khẩu cá tra

(vasep.com.vn) Từ là thị trường XK cá tra số một tại Trung Đông năm 2017 đến nay Ảrập Xêut là thị trường XK thứ 3 (sau UAE và Ai Cập). 6 tháng đầu năm 2018, giá trị XK cá tra sang thị trường Ảrập Xêut đã giảm 60,2%, đạt 10,6 triệu USD.

Cuối tháng 1/2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Vương quốc Ảrập Xêut (SFDA) đã ban hành Chỉ thị 21174 về việc tạm đình chỉ NK các sản phẩm cá, giáp xác và các sản phẩm thủy sản khác từ Việt Nam. Lý do của việc tạm đình chỉ này được đưa ra căn cứ vào “Báo cáo quý về tình hình dịch bệnh thủy sản khu vực Thái Bình Dương” của Tổ chức OIE và trên kết quả chuyến công tác của SFDA tại Việt Nam vào cuối năm 2017.

Việc đình chỉ NK thủy sản từ Việt Nam không chỉ gây bất ngờ cho Cơ quan thẩm quyền và DN thủy sản Việt Nam mà đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động XK sang thị trường lớn tại Trung Đông này. Theo nhận định của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), việc đình chỉ này của Ảrập Xêut có nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy định, hướng dẫn của các tổ chức quốc tế mà cả Việt Nam và Ảrập Xêut tham gia.

Đối với cá tra, năm 2017, tổng giá trị XK sang thị trường Ảrập Xêut đạt 53,4 triệu USD, cao gấp đôi so với NK của hai thị trường lớn khác tại Trung Đông là UAE và Ai Cập. Nhưng kể từ sau khi Ảrập Xêut ra lệnh đình chỉ vì lo lắng bệnh dịch thủy sản, XK cá tra sang thị trường này ngưng trệ. Các DN buộc phải tăng mạnh XK cá tra sang hai thị trường UAE và Ai Cập.

Mới nhất, sau khi Đoàn thanh tra của SFDA thanh tra tại Việt Nam, SFDA yêu cầu phía Việt Nam phê chuẩn “Chương trình chăn nuôi Halal”, các lô hàng thủy sản XK sang thị trường Ảrập Xêut phải kèm theo Giấy chứng nhận Halal theo mẫu. Thậm chí thức ăn thủy sản sử dụng tại các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng phải đáp ứng yêu cầu thức ăn Halal. Tuy nhiên, hiện nay, việc chứng nhận này tại Việt nam còn gặp rất nhiều khó khăn và mới chỉ thực hiện việc chứng nhận cho các DN chế biến thủy sản và sản phẩm Halal của các DN này.

Đối với cơ sở nuôi, sản xuất giống, SFDA yêu cầu cơ sở sản xuất giống phải có chứng nhận ASC hoặc GAP, cơ sở nuôi phải có chứng nhận ASC, GlobalGAP hoặc GMP. Đây là yêu cầu sẽ phát sinh thêm chi phí, nguồn lực, thời gian để đáp ứng.

Về kiểm dịch giống, SFDA yêu cầu kiểm dịch con giống trước khi đưa về cơ sở nuôi trồng, việc vận chuyển con giống từ cơ sở giống tới cơ sở nuôi trồng phải kèm theo Giấy chứng nhận thú y trong đó có chứng nhận hai nội dung: (1) việc sử dụng thuốc kháng sinh và các loại hormon một cách an toàn; (2) Chứng nhận sức khỏe con giống. Theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, việc kiểm dịch đối với giống thủy sản nuôi được thực hiện chỉ khi vận chuyển giống ra khỏi địa bàn cấp tỉnh. Yêu cầu này của SFDA sẽ phát sinh thủ tục cũng như phải chứng nhận thêm về việc sử dụng thuốc kháng sinh và hormon.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục