Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã quyết định áp dụng việc kiểm tra sản phẩm tra cá tra nhập khẩu từ Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch ban đầu một tháng, tức từ ngày 2/8/2017. Thế nhưng, theo thông tin từ những người trong cuộc, cho đến nay việc này chưa gây ảnh hưởng đáng kể nào đến hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ.
Vào thời điểm FSIS đưa ra thông báo 100% lô cá tra Việt Nam phải vào i-house (là những cơ sở kiểm tra được USDA chỉ định) để kiểm tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn, lo lắng điều kiện và khả năng cơ sở hạ tầng của Mỹ là không đủ để thực thi do phía Mỹ thiếu những i-house.
Bà Khanh cho biết ngay tại California, nếu thực thi rất có thể xảy ra vấn đề ùn tắc và cho rằng năm năm 2018 phía Mỹ mới xây dựng đủ các điều kiện về kho lạnh, trong khi tất cả hàng hóa đều phải đưa vào kho lạnh.
Trao đổi với TBKTSG Online sau khoảng một tuần kể từ khi FSIS áp dụng kiểm tra cá tra Việt Nam (ngày 2-8-2017) nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn được Mỹ đưa ra trước đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Hùng Vương khẳng định: “Việc xuất khẩu sang Mỹ vẫn diễn ra bình thường, không có trở ngại gì”.
Theo ông Minh, hiện tại sản phẩm cá tra vào Mỹ, tất cả đều phải vô i-house. Thế nhưng, về phương thức kiểm tra để đưa ra hàng lưu hành thì doanh nghiệp vẫn đang theo dõi thêm cách làm việc của USDA.
Ông Minh cho biết thêm, việc Mỹ yêu cầu cá tra Việt Nam phải vào i-house sớm hơn một tháng so với dự kiến ban đầu là để phía Mỹ chấn chỉnh về mọi mặt, trong đó có việc giúp cho đội ngũ nhân sự quen với cách thức vận hành nhằm chuẩn bị cho tháng 9 tới, chứ không phải trong tháng 8 này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp phản ánh đến hiệp hội những vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy định mới của FSIS. “Vấn đề quan tâm nhất của phía Việt Nam là đưa hàng vào Mỹ có bị kẹt hay không, nhưng hiện nay vẫn chưa nghe doanh nghiệp phản ánh gì”, ông cho biết.
Theo ông Hòe, nhìn chung tình hình xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn bình thường và chưa có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp liên quan về quy định mới của Mỹ.
Giải thích về những lo lắng của doanh nghiệp, ông Minh nói doanh nghiệp ngành cá tra Việt Nam đã có hơn chục năm kinh doanh ở thị trường Mỹ và trong khoảng thời gian này việc xuất khẩu khẩu chịu sự quản lý theo hệ thống của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Khi chịu sự quản lý của FDA, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thì phía Mỹ sẽ cho phép hàng lưu thông, chứ không phải vô i-house như khi chịu sự quản lý của FSIS như hiện nay.
“Do đó, đã có không ít doanh nghiệp lo lắng", ông cho biết và nói rằng tần suất kiểm tra tại i-house còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.
Theo đó, có doanh nghiệp bị kiểm tra 10%, 20% hoặc 30% khối lượng của lô hàng, nhưng cũng có doanh nghiệp chịu kiểm tra 100% khối lượng lô hàng và điều này phụ thuộc vào “lý lịch” của từng doanh nghiệp. “Như vậy, sau khi phía Mỹ kiểm tra và thấy đảm bảo an toàn sẽ đóng dấu cho lưu thông, và ngược lại sẽ bị trả về”, ông Minh cho biết.
Theo ông Minh, với những doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm phía Mỹ sẽ áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường thêm những chất khác. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng với những tiêu chuẩn được Mỹ đưa ra để kiểm tra, nếu doanh nghiệp quản lý tốt, thì tỷ lệ rủi ro sẽ rất thấp. Còn nếu không quản lý được, tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn.
Về tình hình xuất khẩu cá tra, báo cáo của VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 836,4 triệu đô la Mỹ, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 176,4 triệu đô la Mỹ, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm được VASEP lý giải là do thuế chống bán phá giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể thâm nhập được vào thị trường này, chứ không phải do quy định mới của FSIS.
Thực tế, theo VASEP, cho đến nay, vẫn có 14 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này là Hùng Vương, Vĩnh Hoàn và Biển Đông.
(Theo TBKTSG)