(vasep.com.vn) Tại “Hội nghị Triển khai kế hoạch XK Thủy sản năm 2019” tổ chức vào tháng 2/2019, VASEP đưa ra mục tiêu XK cá tra trong năm nay đạt 2,3 tỷ USD, trong đó bên cạnh ổn định giữ vững thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc…các DN sẽ quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào Châu Âu.
Cũng tại hội nghị này, VASEP đưa ra đánh giá về thuận lợi và khó khăn trong năm 2019 để đưa ra kế hoạch XK cho từng ngành hàng cụ thể, trong đó có ngành cá tra.
Năm 2018 là năm thuận lợi của cá tra với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.. do giá nguyên liêu tăng dẫn đến giá xuất khẩu tăng mạnh.
Hơn nữa, tại 3 thị trường XK lớn nhất là Mỹ; Trung Quốc - Hồng Kông và EU cũng có những thuận lợi thúc đẩy hoạt động XK của các DN gia tăng tại các thị trường này. Tại thị trường Mỹ do thuế sơ bộ của POR14 thấp hơn nhiều so với POR13 và FSIS đã đề xuất Chính phủ Mỹ công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng mạnh từ 344 triệu USD năm 2017 tăng lên trên 530 triệu USD năm 2018 tăng gần 54%. Tại thị trường Trung Quốc nhờ vào nhu cầu tiêu thụ cá tra từ khách hàng cao cấp tăng nên xuất khẩu cá tra cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng 24% với kim ngạch đạt 510 triệu USD. Thị trường EU tương đối ổn định và tăng trưởng 10% với kim ngạch đạt gần 235 triệu USD.
Nhưng, cá tra Việt Nam cũng có nhiều rào cản lớn trong năm qua như: Thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn hay mới nhất là chương trình SIMP của Mỹ đã tạo nên sức ép lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Vấn đề truyền thông bôi xấu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ tại thị trường EU cũng là trở ngại lớn cho mặt hàng tôm và cá tra khi xuất khẩu vào thị trường này.
Việc tăng giá các yếu tố chi phí đầu vào khác cũng đã góp phần ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam với các nước xuất khẩu thủy sản khác trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, VASEP và các DN đưa ra những kế hoạch cụ thể trong năm 2019 đối với ngành cá tra như sau:
- Các doanh nghiệp sẽ tăng cường mối liên kết tốt với người nuôi chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu phối hợp với điều chỉnh cơ cấu thị trường, xây dựng kế hoạch xuất khẩu bắt kịp xu thế tiêu dùng để từ đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách ổn định và đều đặn cho từng thị trường.
- Các DN tiếp tục kiên trì giữ mức giá bán cao đã đạt được ở các thị trường để tiếp tục củng cố kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 theo hướng sản phẩm tốt chất lượng cao,chú trọng giá bán cao hơn là tăng sản lượng xuất khẩu trong điều kiện sản lượng nguyên liệu năm 2019 dự báo cũng sẽ không tăng nhiều so với năm 2018.
- Với mục tiêu ngành cá tra đạt được trong năm 2019 là 2,3 tỷ USD, trong đó bên cạnh ổn định giữ vững thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc…các Doanh nghiệp sẽ quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào Châu Âu. Năm 2018, cá tra đã tăng trưởng trở lại tại Châu Âu sau 1 thời kỳ ảm đạm. Hiện cá tra chiếm 9 % thị phần và nằm trong nhóm 4 sản phẩm cá thịt trắng được ưa chuộng nhất tại Châu Âu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh với các loại cá thịt trắng về giá, cũng như giải tỏa các vấn đề tiêu cực về hình ảnh, chất lượng là những thách thức cho sự trở lại của cá tra tại Châu Âu.
- Tiếp tục đề nghị Bộ NN& PTNT thắt chặt quản lý chất lượng cá tra theo đúng Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh. Bên cạnh đó tăng cường quản lý nghiêm về thuốc thú ý, chất xử lý môi trường… nhằm giảm rủi ro sản phẩm bị nhiễm kháng sinh, các chất cấm trong khâu nuôi.
- VASEP tiếp tục đề nghị các Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương quan tâm chấn chỉnh hoạt động qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc mà Hiệp Hội đã nhiều lần kiến nghị trong năm qua về gian lận thương mại, chất lượng thấp ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản Việt Nam.
- Tiếp tục kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT có cơ chế linh động để Quỹ phát triển thị trường được đưa vào hoạt động phục vụ chiến lược phát triển bền vững thị trường xuất khẩu.