Chặng đường 20 năm vươn tới tỷ đô của cá tra Việt Nam

(vasep.com.vn) Bức tranh XK cá tra Việt Nam trong 20 năm qua (1998-2018) có nhiều biến chuyển rất rõ nét, trong đó có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị XK, sự đa dạng sản phẩm và thị trường XK.

Có thể nói năm 1997 - 1998 là giai đoạn cá tra Việt Nam bắt đầu chập chững tìm đường xuất khẩu. Năm 1997, cả nước mới chỉ XK 425 tấn cá tra với tổng giá trị trên 1,65 triệu USD. Như vậy, XK cá tra mới chiếm tỷ lệ 0,2% tổng XK thủy sản và bằng 0,6% tổng XK sản phẩm tôm. Tuy nhiên, trong giai đoạnđầu sơ khai này, giá cá tra XK lại ở mức “hoàng kim nhất” dao động ở mức 3,9 - 4,1 USD/kg. Trong đó, các DN tập trung XK nhiều nhất đi các thị trường lân cận trong khu vực như Trung Quốc - Hồng Kông, Singapore và Đài Loan. Trong đó, gần 50% lượng cá tra được XK sang thị trường láng giềng Trung Quốc - Hồng Kông.

5 năm tiếp theo đánh dấu bước “lột xác” của ngành công nghiệp cá tra. Theo báo cáo tổng hợp từ một số Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, từ năm 2000 trở đi, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL bắt đầu có những bước nhảy ngoạn mục với việc hình thành nên các vùng nuôi tập trung lớn ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... với tổng diện tích lên đến hơn 5 nghìn ha. Nếu năm 2001 sản lượng cả vùng mới đạt khoảng hơn 100 nghìn tấn thì năm 2009 đã lên tới trên 1 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu tới 1,4 tỷ USD.

Như vậy, từ những “bước đi” tự phát của một số hộ nuôi nhỏ lẻ và những cơ sở sản xuất thô sơ, cá tra Việt Nam bắt đầu “lớn” lên thành ngành sản xuất quy mô công nghiệp.

Cũng có thể nói rằng, sự trưởng thành dần của ngành thủy sản nói chung và ngành công nghiệp cá tra nói riêng gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP).

Ngày 8/6/1998, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 242BTS/QĐ thành lập VASEP. Đây là tổ chức tự nguyện của các DN chế biến, XK thủy sản nhằm phối hợp, liên kết hoạt động của các DN giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủy sản Việt Nam, phát triển nguồn nguyên liệu cho chế biến XK. Từ những năm 1998 - 2000, chỉ có từ 70 - 98 doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội. Đây cũng chính là những DN lớn, đi tiên phong trong chế biến, XK tôm và cá tra Việt Nam.

Năm 2002, XK đánh dấu bước phát triển “ngoạn mục” khối lượng XK đã tăng 6.580% và giá trị XK đã tăng 5253% so với năm 1997, số lượng thị trường cũng tăng 3 lần so với thời điểm “tập đi”. Bốn năm tiếp theo, từ khối lượng XK ở mức nghìn tấn cá tra đã tăng lên con số hàng trăm nghìn tấn cá tra với giá trị lên tới trăm triệu USD. Tuy nhiên, giá cá tra XK trung bình lại giảm từ mức 3,11 - 3,15 USD xuống còn 2,5 - 2,75 USD/kg. Trong thời gian này, các DN XK cá tra tập trung mạnh sang thị trường Mỹ. Năm 2001, sản lượng cá philê đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng lên gần 21.000 tấn, gấp hơn 20 lần sản lượng xuất khẩu năm 1998 . Giá FOB xuất khẩu dao động trong khoảng 1,2-1,5 USD/pao hay 40.000-50.000 đ/kg.

Trong giai đoạn này, sau nhiều năm XK thuận lợi và vươn xa tới nhiều châu lục, cá tra Việt Nam phát triển quá “nóng” tại Mỹ và đe dọa sản xuất cá nội địa Mỹ. Lần đầu tiên, cá tra Việt Nam vấp phải rào cản lớn tại thị trường NK hàng đầu. Vào ngày 28/6/2002, Hiệp Hội chủ trại nuôi cá da trơn Hoa Kỳ (CFA) đã đệ đơn kiện một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy Ban Thương Mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) là các sản phẩm cá tra và basa philê đông lạnh được bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Hoa Kỳ, gây thiệt hại về vật chất cho sản xuất nội địa. Phía nguyên đơn trong vụ kiện là 500 trại nuôi cá catfish thuộc Hiệp hội Nuôi cá Catfish (CFA) và 8 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Hoa Kỳ. Bên bị đơn là 53 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh của Việt Nam.

Bất chấp những rào cản kỹ thuật và thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, XK cá tra Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch XK cá tra đạt mức tỷ USD, trong năm này, Việt Nam XK 640,8 nghìn tấn tương đương 1,45 tỷ USD với giá XK trung bình đạt 2,27 USD/kg.

Cũng trong giai đoạn này, cá tra Việt Nam gặp liên tiếp các rào cản về thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn (tại Mỹ); và bị bôi nhọ hình ảnh bởi truyền thông, mạng xã hội tại EU ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK. Giá cá tra trung bình giảm từ 2,75 USD xuống còn 2,15 - 2,25 USD/kg. 3 năm tiếp theo vào năm 2011, giá trị XK cá tra đạt mốc 1,8 tỷ USD.

Đây là cột mốc xuất khẩu kỷ lục của cá tra Việt Nam trong 20 năm qua. Từ năm 2012 đến nay, tổng giá trị XK cá tra trung bình đã thấp hơn so với thời kỳ đỉnh cao (vào năm 2011) và đạt mức từ 1,56 - 1,78 tỷ USD nhưng rõ ràng, sau 20 năm XK, cá tra Việt Nam đã có bước phát triển không ngừng và mang “tầm vóc” quốc tế.

Có ai đã nói, “Thuyền càng lớn sóng càng lớn” không sai trong trường hợp xuất khẩu cá tra Việt Nam trong chặng đường 20 năm. Khi quy mô XK ngày càng lớn, giá trị XK ngày càng cao thì rủi ro và sóng gió càng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cá tra Việt Nam tái cơ cấu lại ngành cá tra, không chạy theo sản lượng và đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục