Panama có thể thanh tra cơ sở nuôi, chế biến cá tra Việt Nam

(vasep.com.vn) Cơ quan thẩm quyền Panama đã không áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, để các lô hàng cá tra của Việt Nam khi nhập khẩu vào Panama không phải lấy mẫu kiểm nghiệm, Cơ quan thẩm quyền Panama có thể sang thanh tra các cơ sở nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.

Tiếp theo văn bản số 248/QLCL-CL1 ngày 05/2/2016 của Cục Nafiqad về tình hình các lô hàng cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Panama bị phát hiện nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ngày 22/3/2016, Cục Nafiqad đã có công văn số 493/QLCL-CL1 gửi Bộ trưởng Bộ NN & PTNT báo cáo về diễn biến xử lý của cơ quan thẩm quyền Việt Nam và Panama.

Theo đó, ngày 26/2/2016, Cục Nafiqad đã có văn bản số 301/QLCL-CL1 gửi Cơ quan thẩm quyền Panama thông báo kết quả điều tra nguyên nhân và các biện pháp khắc phục của các doanh nghiệp có lô hàng cảnh báo, đồng thời đề nghị Cơ quan thẩm quyền Panama xem xét, cho phép nhập khẩu trở lại các lô hàng cá tra được sản xuất bởi các doanh nghiệp bị cảnh báo sau khi doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp và cho phép lưu thông, phân phối các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã nhập khẩu vào Panama nếu kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đạt yêu cầu.

Ngày 09/3/2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Panama đã có Công điện số 039/ĐSQ-PAM thông báo ý kiến phản hồi của Cơ quan thẩm quyền Panama đối với văn bản số 301/QLCL-CL1 của Cục như sau:

- Cơ quan thẩm quyền Panama cam kết trong vòng 15 ngày sẽ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cá (bao gồm cá tra) nhập khẩu vào Panama và sẽ sớm thông báo cho phía Việt Nam biết, thực hiện.

- Cơ quan thẩm quyền Panama đồng ý cho phép lưu thông, phân phối các lô hàng thủy sản của Việt Nam đã nhập khẩu vào Panama có kết quả kiểm nghiệm cho thấy không bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

- Các lô hàng cá tra của Việt Nam vẫn tiếp tục được phép xuất khẩu vào Panama và sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu kết quả đạt yêu cầu sẽ cho thông quan và lưu thông trên thị trường Panama.

Như vậy, đến nay, sau một loạt các biện pháp tích cực, khẩn trương mà phía Việt Nam đã triển khai (văn bản Cục gửi Cơ quan thẩm quyền Panama, tổ chức làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Panama, các buổi làm việc của Đại sứ quán Việt Nam tại Panama với Cơ quan thẩm quyền Panama), Cơ quan thẩm quyền Panama đã không áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Panama, để các lô hàng cá tra của Việt Nam khi nhập khẩu vào Panama không phải lấy mẫu kiểm nghiệm, Cơ quan thẩm quyền Panama cần sang thanh tra các cơ sở nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.

Để tránh việc kiểm tra 2 lần đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Panama trong thời gian tới và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Cục Nafiqad đề nghị Bộ trưởng cho phép Cục chỉ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiếp đón đoàn thanh tra của Cơ quan thẩm quyền Panama sau khi có văn bản chính thức từ phía Panama. 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục