Việc nới lỏng yêu cầu dán nhãn trên sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong tháng 3 có thể giúp các nhà cung cấp ca tra, cá thịt trắng (trước đây được đóng gói và cung cấp cho dịch vụ thực phẩm) chuyển hướng sang thị trường bán lẻ.
Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS) của USDA quyết định ban hành qui định nới lỏng qui tắc dán nhãn có hiệu lực trong 60 ngày đối với các sản phẩm thịt, gia cầm, sản phẩm thủy sản (cá tra, cá thịt trắng) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến các nhà hàng và quán ăn trên khắp nước Mỹ phải đóng cửa.
Cơ quan này cho biết sản phẩm được sản xuất tại một cơ sở liên bang thường được phân phối cho các khách sạn, nhà hàng hoặc các địa điểm tương tự sẽ được sửa đổi nhãn để có thể bày bán trên thị trường bán lẻ.
Nhãn sửa đổi phải giữ tất cả các đặc điểm cần thiết. Tuy nhiên, FSIS sẽ không phản đối việc sử dụng nhãn mà không ghi nhãn dinh dưỡng, ngay cả khi nhà cung cấp không đáp ứng điều kiện miễn trừ theo điều khoản 9 CFR 317.400 và 381.500, miễn là các nhãn không có bất kì vấn đề dinh dưỡng nào.
Thông thường, việc không có nhãn dinh dưỡng sẽ buộc các cơ sở phải nộp đơn phê duyệt tạm thời theo điều khoản 9 CFR 412.1(f)(1). Tuy nhiên, nếu thiếu sót duy nhất là không có nhãn dinh dưỡng, FSIS sẽ không yêu cầu các cơ sở nộp đơn xin phê duyệt tạm thời trong 60 ngày tới.
Don Kelley, Phó Chủ tịch của nhà nhập khẩu Western Edge Seafood tại Washington, Pennsylvania, cho biết sự thay đổi này sẽ không tác động nhiều đến doanh nghiệp này và nói thêm rằng Western Edge đã kiểm kê lượng tồn kho cá tra tương đối chặt chẽ và duy trì việc dán nhãn tương tự cho cả dịch vụ thực phẩm và bán lẻ.
Theo VASEP, Việt Nam đang gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong những tháng đầu năm 2020. Trong hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 38,6 triệu USD, giảm gần 27% so với cùng kì năm 2019.
Lượng tồn kho cá tra thấp là nguyên nhân khiến giá cá tra phile đông lạnh duy trì ở mức trung bình 1,75 - 1,8 USD/pound.
(Theo Vietnambiz)