Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông tăng 7%

(vasep.com.vn) Trong những năm gần đây, Trung Đông đang ngày càng trở thành một thị trường xuất khẩu cá ngừ quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021 Trung Đông là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và CPTPP. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này trong 5 tháng đầu năm đạt gần 27 triệu USD, chiếm 9% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông tăng 7
Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông tăng 7%

Một số yếu tố đang làm gia tăng nhu cầu trong khu vực như: cuộc xung đột ở Libya (một thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn) chấm dứt, người tiêu dùng tại Ảrập Saudi có ý thức về sức khoẻ hơn, và nhu cầu của người dân Ai Cập với “nguồn protein có giá phải chăng” tăng.

Năm ngoái, cũng giống như các thị trường khác khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong những tháng đầu năm tình trạng mua hoảng loạn các sản phẩm cá ngừ để tích trữ tại Trung Đông đã xảy ra. Tuy nhiên sau đó, doanh số bán hàng tại thị trường này đã ổn định trở lại. Chính vì thế mà, xuất khẩu cá ngừ chế biến của Việt Nam sang Trung Đông 5 tháng đầu năm 2021 chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2020, đạt 17,2 triệu USD. Trái lại, xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô sang khối thị trường này lại tăng mạnh 78%, đạt hơn 9,5 triệu USD.

Hiện các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu được sang 12 nước trong khối thị trường này. Trong đó, Israel, Ai Cập và Libya là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối thị trường này. So với cùng kỳ năm 2020, các nước có sự tăng trưởng xuất khẩu là Israel (tăng 37%), Libya (tăng 16%), UAE (tăng 61%) và Bahrain (tăng 69%).

Israel với giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 15 triệu USD, đất nước này hiện đang là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 của Việt Nam. Sau khi sụt giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng trở lại và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ai Cập giảm 3%. Sự phục hồi của nền kinh tế Ai Cập với đồng nội tệ tăng giá so với đồng đô la, cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại nước này. Điều này đã giúp cho xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng khả quan trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở lại đây xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này giảm liên tục. Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này là do nhà nhập khẩu Ai Cập lấy lý do khó khăn, thua lỗ do tình hình dịch bệnh để yêu cầu thanh toán tiền hàng thành nhiều đợt, gây sức ép đòi giảm giá… đã khiến các doanh nghiệp e ngại khi xuất khẩu sang thị trường này.

Còn tại Libya, sự ổn định tình hình chính trị và nền kinh tế Libya làm tăng nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tăng. Và điều này đã tác động tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. Mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này vẫn chưa ổn định, nhưng 2 tháng trở lại đây giá trị xuất khẩu đang tăng liên tục.

Nhìn chung, hiện tại thị phần của Việt Nam tại khối thị trường này vẫn còn hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.

Trong khi đó, các thị trường lớn tại Trung Đông đang cho thấy tiềm năng tiếp tục tăng trưởng, dự kiến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại khối thị trường này sẽ tiếp tục tăng. Và các nhà nhập khẩu Trung Đông đang có sự chuyển dịch tìm kiếm nguồn hàng đa dạng từ các nước và đây là cơ hội “vàng” để thủy sản Việt Nam khẳng định và có chỗ đứng tốt hơn tại thị trường này.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục