Vai trò của GSP với ngành cá ngừ Philippines

(vasep.com.vn) Theo cơ chế GSP+, Philippines được miễn thuế XK sang EU đối với 6.247 sản phẩm, bao gồm cả cá ngừ. Nhờ có chế độ này, các sản phẩm cá ngừ của Philippines có khả cạnh tranh tốt tại thị trường EU. Hiện EU là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của nước này, chiếm tới hơn 51% tổng kim ngạch XK qua các năm.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), xuất khẩu cá ngừ của Philippines sang EU đã tăng từ mức 151 triệu USD năm 2014 lên 262 triệu USD năm 2020, tăng 73%. Philippines từ vị trí thứ 6 đã vượt lên trở thành nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 ngoài khối cho thị trường EU.

Với sản phẩm XK chủ lực là cá ngừ đóng hộp, chiếm tới tới 95% tổng giá trị XK, Philippines là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 ngoài khối cho EU, đặc biệt tại phân khúc thị trường dịch vụ ăn uống. Chính vì thế, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của chuỗi dịch vụ ăn uống bị ngưng trệ, và điều này đã ảnh hưởng tới XK cá ngừ của Philippines sang khối thị trường này.

Bên cạnh đó, năm 2022 giá nhiên liệu tăng cao khiến cho ngành đánh bắt cá ngừ của Philippines lao đao, nhiều tàu phải ngừng hoạt động, nguồn cung nguyên liệu cá ngừ cho thị trường này khan hiếm. Điều này đã kìm hãm sự tăng trưởng XK của nước này sang EU.

Năm 2021, XK cá ngừ của Philippines sang EU đã bị sụt giảm 14% so với năm 2020, chỉ đạt 223 triệu USD. Do đó, Philippines đã tụt xuống trở thành nguồn cung cá ngừ ngoài khối lớn thứ 4 cho thị trường EU. Và 7 tháng đầu năm 2022, XK cá ngừ của Philippines sang EU vẫn giảm 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ những ưu đãi về thuế quan theo chế độ GSP+, các sản phẩm cá ngừ của Philippines vẫn có khả năng cạnh tranh tốt.

Theo Thông tấn xã Philippines, từ tháng 2/2021, chế độ GSP+ của EU dành cho Philippines đã phải đối mặt với những sóng gió sau những lời đe doạ từ Nghị viện EU để tạm thời giữ các đặc quyền thương mại cho quốc gia này trong bối cảnh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và thiếu tự do báo chí.

Và để giải quyết vấn đề này, các quan chức của Philippines đã sang làm việc với Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ trong tuần cuối tháng 10 vừa qua, để thảo luận về tình trạng Ưu đãi thuế quan phổ cập mới (GSP+) dành cho Philippines.

Chuyến thăm lần này của Philippines tại EU là để giải quyết tình trạng GSP+ và nối lại cuộc đối thoại Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Philippines và EU.

Từ ngày 28/2 đến 4/3/2022, một phái đoàn các quan chức của EU đã tới giám sát tại đây và tham gia với chính phủ Philippines để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân quyền, pháp quyền, quan hệ lao động, quản trị tốt và bảo vệ môi trường.

Đổi lại, Philippines phải tuân thủ 27 công ước quốc tế về nhân quyền, quyền lao động, bảo vệ môi trường, và quản trị tốt để tiếp tục được hưởng các đặc quyền thương mại.

EU cho biết Philippines là một đối tác thương mại quan trọng đối với EU. Vì vậy, điều quan trọng là phải giữ Philippines là đối tác thân thiết và tiếp tục giao dịch trong điều kiện tốt nhất có thể với Philippines ...

Chia sẻ:


Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục