(vasep.com.vn) Sau khi tăng lên mức cao nhất vào năm 2022, NK cá ngừ của Canada năm 2023 đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 35 nghìn tấn, giảm 24% so với năm 2022. Canada hiện đang là 1 trong 15 thị trường NK cá ngừ lớn nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Canada NK cá ngừ từ hơn 43 nước trên thế giới trong năm 2023, đạt 214 triệu USD. Trong đó, Thái Lan, Italy, Việt Nam, Mỹ, Mexico, Indonesia, Ecuador, Sri Lanka và Philippines lần lượt là 9 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này, chiếm tới 95% tổng giá trị NK.
Năm 2023, NK cá ngừ của Canada từ các nguồn cung chính đều giảm so với năm trước đó.
Hiện các sản phẩm cá ngừ của Thái Lan đang chi phối thị trường cá ngừ Canada, với tỷ trọng chiếm tới 52% tổng kim ngạch NK cá ngừ của thị trường này. Chính vì thế, để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cá ngừ từ các công ty Thái Lan, trong những năm gần đây các nhà NK Canada có xu hướng giảm bớt NK từ nước này. Và Canada đang ngày càng mở rộng các nguồn cung cá ngừ từ các nước khác như Việt nam, Indonesia hay Ecuador…
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Canada những năm qua
XK cá ngừ của Việt Nam sang Canada từ năm 2019 – 2022 ngày càng tăng. Năm 2023, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế nên XK bị sụt giảm. Nhưng nhìn chung, kim ngạch XK trong 5 năm qua đã tăng từ 21 triệu USD năm 2019 lên gần 34 triệu USD năm 2023, tăng 57%.
Canada Nhập khẩu rất nhiều cá ngừ chế biến và đóng hộp từ các nước, chiếm tới hơn 80% tổng giá trị NK. Từ sau khi Hiệp đinh CPTPP có hiệu lực, XK các sản phẩm cá ngừ đóng hộp mã HS16 của Việt Nam sang Canada tăng đáng kể. Kim ngạch XK nhóm sản phẩm này đã tăng từ 8 triệu USD lên gần 15 triệu USD trong 5 năm qua. Mặc dù vậy, thị phần của Việt Nam vẫn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 13%, trong khi Thái Lan 52% và Italy là 15%.
Trái lại, tại phân khúc thị trường thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Canada, Việt Nam đang dẫn đầu với thị phần khoảng 46%. Hiện nay, cạnh tranh chủ yếu cùng Việt Nam đối với mã HS 0304 là Indonesia và Ecuador. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các sản phẩm thuộc nhóm hàng này của Canada tăng không nhiều. Hiệp định CPTPP không tác động ngay đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu nhóm sản phẩm thuộc mã HS 0304 của Việt Nam.