Năm 2019: xuất khẩu cá ngừ tăng 10,2%

(vasep.com.vn) Tiếp nối tăng trưởng xuất khẩu trong 3 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam năm 2019 tăng 10,2% so với năm 2018, đạt hơn 719 triệu USD. Tuy nhiên, càng về cuối năm xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá cá ngừ trên thị trường thế giới giảm mạnh, thậm chí có thời điểm còn tụt xuống mức thấp kỷ lục, điều này đã khiến cho các hoạt động giao dịch trên thị trường thế giới bị đình trệ.

Mỹ

Sau khi tăng trưởng liên tục trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 12 lại đột ngột giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, điều này không làm cho Mỹ mất ngôi vị số 1 trong số các thị trường xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ đạt 316 triệu USD, tăng gần 38% so với năm 2018, chiếm 44% tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Năm qua, xu hướng tiêu thụ cá ngừ thị trường Mỹ tích cực hơn, nhất là đối với các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, điều này đã khiến nhập khẩu của nước này trong qua tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ Mỹ đã tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác từ khu vực lân cận, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, năm qua Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, sau Thái Lan.


EU

Năm 2019 có thể nói là “nốt trầm” của ngành cá ngừ Việt Nam tại thị trường EU. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này qua các tháng trong năm phần lớn đều giảm so với cùng kỳ. Và tính cả năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này chỉ đạt gần 140 triệu USD, giảm 11,8% so với năm 2018. Ba thị trường đơn lẻ lớn nhất trong khối là Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan, trong đó hiện chỉ có Italy tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam.

Sự sụt giảm xuất khẩu này một phần là do tác động của việc Việt Nam nhận “thẻ vàng” cảnh báo của EU vì chưa đủ nỗ lực trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Một phần là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào EU bị áp thuế cao, nên khó cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước được hưởng ưu đãi thuế quan như Ecuador, Philippines.

ASEAN - Israel

Tính đến hết tháng 12/2019, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN vẫn tăng gần 7% so với năm 2018, đạt gần 54 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất trong khối là Thái Lan giảm nhẹ 4% so với năm 2018, còn xuất khẩu sang Philippines – thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 – tăng 23%. Năm vừa qua, XK cá tra sang ASEAN không ổn định, tăng giảm thất thường và nhu cầu tăng cao đặc biệt ở thị trường “mới nổi” Indonesia, tăng 802%.

Israel tiếp tục là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông. Năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng giảm liên tiếp trong những tháng cuối năm. Tính cả năm 2019, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt hơn 38 triệu USD, giảm 39% so với năm 2018. Điều này đã khiến Israel lọt ra khỏi tốp 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất cá ngừ của Việt Nam.

Dự báo, năm 2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm sẽ tăng chậm do lượng tồn kho tại các thị trường đang ở mức cao. Giá trị xuất khẩu cá ngừ trong cả năm 2020 sự kiến sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2019.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục