Nhớ 5 – 7 năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) tôm đề ra chỉ tiêu phấn đấu doanh số tiêu thụ 100 triệu USD. Câu lạc bộ 100 (CLB100) là cụm từ hình thành tự phát. Có điều vui, hay là câu lạc bộ này từ lẻ loi có 2 thành viên, nay khá đông rồi, trên chục DN. Ý nghĩa của câu chuyện này là nói lên sự phát triển ngành tôm.
Chuyện “câu lạc bộ”
Nhớ 5 – 7 năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) tôm đề ra chỉ tiêu phấn đấu doanh số tiêu thụ 100 triệu USD. Câu lạc bộ 100 (CLB100) là cụm từ hình thành tự phát. Có điều vui, hay là câu lạc bộ này từ lẻ loi có 2 thành viên, nay khá đông rồi, trên chục DN. Ý nghĩa của câu chuyện này là nói lên sự phát triển ngành tôm. Tuy tốc độ 5 -7 năm qua của toàn ngành chỉ trung bình 5 -7%/năm, nhưng có sự phân hóa trong cộng đồng DN, một số yếu sức bỏ cuộc chơi, số khỏe có tốc độ vươn lên gấp nhiều lần so với trung bình toàn ngành. Âu cũng là chuyện bình thường và cũng là sự nghiệt ngã của cuộc chơi nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Ngay sau khi có cụm từ CLB100, thì cụm từ này chợt phổ biến không phải trong DN chế biến mà trong các trang trại nuôi. Tôm nuôi cứ lớn khoảng 100 con mỗi kg thì chậm lớn và chết dần, phải thu hoạch. Vậy là thêm CLB100 nhưng nội dung bên trong có cái chất khác, ý nghĩa không tích cực lắm! Cũng may CLB100 này không “phát triển” mạnh. Nhìn lại cho thấy con vi khuẩn EHP, tác nhân gây tôm chậm lớn và chết dần, nó “phá bĩnh” người nuôi nhiều năm qua, từ thấp tới cao, từ ít tới nhiều và năm nay là cao điểm. Hy vọng siêu El Nino năm nay sẽ ‘đuổi” nó ra biển khơi, không dám ngoái đầu trở lại!
Từ giữa năm 2022 tới nay, tình hình tiêu thụ tôm có xu thế yếu đi. Tuy điều này trong dự đoán, nhưng tiến trình kéo dài và thiệt hại trầm trọng do tôm giảm giá thì gần như ngoài toan tính. Các DN tôm có sách lược kinh doanh cho mình, đa phần bị “vỡ trận” bởi tình hình xấu ngoài dự tính này. Khái quát chung là tiêu thụ chậm, dẫn đến tồn kho nhiều, dẫn đến nợ ngân hàng khó thanh toán kịp thời vì vòng quay vốn đang bị chậm lại ngoài ý muốn.
Lúc này lại kháo nhau về CLB1000. Nghĩa là DN nợ ngàn tỷ kéo dài vì tình hình kinh doanh không như ý. Chưa ai thống kê CLB này đang có bao nhiêu thành viên, các thành viên cũng không muốn nêu tên mình, vì cần giữ thể diện, uy tín để kinh doanh. May mắn, VASEP tích cực kiến nghị và ngay sau đó Chính phủ và bộ ngành đang vào cuộc để các DN này có thể giãn nợ, thêm vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục chung tay với người nuôi, cùng nhau vượt qua cơn khốn khó không nhỏ hiện nay. Sự quan tâm kịp thời từ Chính phủ lúc này như làn gió mát mạnh mẽ trùm lên cái nóng ngành tôm đang hứng chịu, chắc chắc có hiệu ứng tích cực to lớn.
Chuyện giá tôm và người nuôi tôm
Tình cờ tôi gặp và nói chuyện với một anh nuôi tôm ở Hòa Tú, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Anh đang làm thợ hồ và đang sửa chữa rào nhà tôi. Biết tôi trong ngành tôm, anh lân la hỏi khả năng chừng nào tôm lên giá lại. Tôi hỏi vì sao anh quan tâm giá tôm. Anh ta nói có ba ao tôm, vụ vừa qua thu được chục tấn khoảng 60 con/kg, nhưng do giá thấp lỗ trăm triệu, không đủ tiền trả nợ bên đầu tư nên bỏ ao, đi làm thợ hồ kiếm sống qua ngày.
Tuần sau, anh ta gặp tôi, như có chút vui, nói tôm lên giá chục ngàn mỗi kg rồi. Tôi chưa thống kê giá từ đáy đã phục hồi bao nhiêu, nhưng anh ta biết, chứng tỏ anh ta rất quan tâm giá tôm. Tôi mở rộng ở đây. Như theo suy luận, do con giống chưa sạch mầm bệnh, gây rủi ro cho nuôi tôm và nhất là do giá cả tôm quá thấp nên từ tháng 5 đến nay tình hình thả giống tôm nuôi suy giảm rất mạnh, dẫn đến đầu quý 3 sẽ thiếu tôm thương phẩm và đi liền là giá cả dần phục hồi.
Chuyện đó đang xảy ra như lời anh nuôi tôm kiêm thợ hồ nói trên. Tôm thương phẩm lên giá là tín hiệu tốt cho người nuôi và gián tiếp cho DN chế biến, dù thật ra giá cả tiêu thụ chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng những đơn hàng giá trị gia tăng tốt có thể chấp nhận giá nguyên liệu cao hơn. Sự chia sẻ này tuy chỉ như là giật gấu vá vai nhưng vẫn có ý nghĩa tích cực, nhất là trong lúc khó khăn đang bao trùm toàn ngành hiện nay.
Trở lại chuyện anh thợ hồ. Tôi hỏi giá tôm lên vậy anh có tính gì không? Anh ta nói đợi giá tốt thêm nữa sẽ ráng thả nuôi, nhưng do mùa mưa sẽ thả nuôi tôm sú mật độ thấp. Đây cũng là một tín hiệu tích cực khi có sự chuyện động từ người nuôi. Tôi hỏi thêm vậy anh thả giống tôm của ai? Anh nói trước đây người ta chở mang tới, bán rất rẻ, nhưng thả nuôi chết gần hết. Bây giờ anh ta chỉ mua tôm giống tốt, tuy giá giá cao. Nếu không đủ tiền thì mua ít lại. Thà thả ít nhưng ăn chắc còn hơn thả nhiều cầu âu nhưng kết quả trắng tay. Thật bất ngờ! Nếu người nuôi tôm nào cũng có suy nghĩ như anh này thì tôm giống trôi nổi không còn đất sống, tỉ lệ nuôi tôm thành công sẽ tăng lên, giá thành giảm xuống, góp phần cải thiện thu nhập người nuôi cũng như sức cạnh tranh của tôm Việt. Cái nhìn tổng quan là kiến thức và cái nhìn của người nuôi tôm chúng ta từng bước nâng lên, là tín hiệu quá tốt.
Tôi có chút gì đó vui vui trong lòng. Nước xa không thể cứu lửa gần. Trong lúc khó này, người trong cuộc nỗ lực, chủ động giải nguy là tốt nhất. Câu chuyện với anh thợ hồ củng cố suy nghĩ của tôi và minh chứng sống động cho lời tâm tình của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong buổi tọa đàm về “Cải thiện môi trường nuôi tôm” ở Bạc Liêu vừa qua: “Nếu người được cứu không chủ động tham gia; chỉ trông chờ, thụ động thì bao nhiêu công sức giải cứu cũng vô nghĩa”. Cám ơn anh thợ hồ, hy vọng anh sớm bỏ nghề… thợ hồ, trở về với ao tôm và lời chân thành chúc anh thành công, trả hết nợ nần và từng bước cải thiện cuộc sống. Tiện đây, tôi cũng có chút suy nghĩ góc nhìn tích cực, đó là CLB1000 phải có nhiều thành viên, có nghĩa là có nhiều DN tôm quy mô lớn, mới đủ sức chịu đựng và vượt qua cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt này!
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN