VASEP gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tháng 11/2023 về vướng mắc cần tháo gỡ của DN thủy sản

(vasep.com.vn) Ngày 08/12/2023, Hiệp hội VASEP đã gửi công văn số 108/CV-VASEP tới Văn phòng Chính phủ - CQ thường trực Tổ Công tác CC TTHC; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính để báo cáo tình hình sản xuất - XK thủy sản và các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp thủy sản tháng 11/2023.

Chú thích ảnh

Công văn số 108/CV-VASEP ngày 8/12/2023 của VASEP phúc đáp công văn số 82/HĐTV ngày 20/10/2023 của Hội đồng Tư vấn CCTTHC về việc tổng hợp khó khăn, vướng mắc định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất, tiếp nối công văn số 89/CV-VASEP ngày 31/10/2023. 

Bất cập trong hướng dẫn về mức thuế GTGT đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản

Các công ty chế biến thủy hải sản có cả mặt hàng thủy hải sản đông lạnh (không qua gia nhiệt) và mặt hàng đông lạnh đã qua hấp, luộc chín. Nguyên liệu thủy sản sử dụng đầu vào của hai mặt hàng này đều giống nhau. Tuy nhiên, thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng khi xuất bán phế liệu của hai loại mặt hàng trên lại khác nhau. Cụ thể, theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, thuế suất đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm được xác định là mặt hàng thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản thông thường bằng các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính nêu trên bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm của các mặt hàng thủy – hải sản được xác định là mặt hàng đã qua chế biến (luộc chín…) thì thuộc diện áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất phổ thông là 10% theo quy định tại Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn cho tất cả các Cục thuế địa phương và doanh nghiệp để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy – hải sản (dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến) nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại.

Bất cập trong việc xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại của DN

Việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua hiện nay của DN tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn do mặc dù cùng căn cứ theo các quy định chung là Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP nhưng các Cục thuế địa phương đang hướng dẫn DN thực hiện theo các cách thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan để cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục/hay hình thức trả hàng nào thì các bên được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.

Khó khăn trong kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động

Trong thời gian vừa qua, do hoạt động khó khăn nên nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, bị đóng mã số thuế, chủ doanh nghiệp bỏ trốn… dẫn đến doanh nghiệp nhận hóa đơn của họ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế xử phạt vì hành vi “khai sai”. Với mỗi hóa đơn GTGT không được hoàn thuế, doanh nghiệp mất 10% thuế giá trị gia tăng và có thể phát sinh thêm thuế thu nhập DN, chưa kể nếu nộp chậm sẽ bị phạt vi phạm.

VASEP kiến nghị, theo quy định hiện hành khi DN xuất hóa đơn thì cơ quan thuế tiến hành xác minh và cấp mã, do đó hóa đơn đó phải được coi là hợp lệ và DN phải được hoàn thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế cần có giải pháp phù hợp để phát hiện kịp thời những DN bỏ trốn, bị đóng mã số thuế. Đối với các DN kinh doanh có hợp đồng đầy đủ, thực tế có mua hàng, có thanh toán và hóa đơn đã được xuất hợp lệ thì không nên yêu cầu DN mua hàng phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để được khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm

Trong văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính tháng 11 này, VASEP cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với doanh nghiệp, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM