VASEP gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo hàng tháng về vướng mắc, khó khăn của DN thủy sản

(vasep.com.vn) Ngày 20/10/2023, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 82/HĐTV đề nghị các thành viên Hội đồng Tư vấn CCTTHC kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác và Hội đồng tư vấn CCTTHC để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.

VASEP là một thành viên tích cực của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm qua. Các góp ý, kiến nghị và sự tham gia tích cực của VASEP trong các hoạt động CCTTHC của nhà nước được đánh giá cao và đã đạt được những kết quả nhất định.

Thực hiện theo cơ chế làm việc mới của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có Công văn 82/HĐTV ngày 20/10/2023 gửi các thành viên về việc kịp thời tổng hợp vướng mắc, khó khăn định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Cơ quan thường trực Tổ công tác - Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính có nhiệm vụ tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, ngày 31/10/2023, Hiệp hội VASEP đã có công văn số 89/CV-VASEP gửi Văn phòng Chính phủ - CQ thường trực Tổ Công tác CC TTHC - Hội đồng Tư vấn CCTTHC về việc tổng hợp tình hình SXXK thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 và các vướng mắc, khó khăn hiện tại về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động SXKD của DN thủy sản.

Một số kiến nghị nổi bật của VASEP trong công văn số 89/CV-VASEP như sau:

Bất cập quy định liên quan áp trần chi phí lãi vay:

Khái niệm về “Các bên có quan hệ liên kết” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, trong đó có trường hợp: Doanh nghiệp có giao dịch liên kết là:“Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. VASEP kiến nghị:

- Sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp DN không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.

- Sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, … để các DN sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Vướng mắc trong phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản:

Theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Thông tư 02) ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên-Môi trường, bùn thải thủy sản có mã chất thải là 14.03.04 và là chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý (ký hiệu là TT), không được coi là chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế (ký hiệu là TT-R). Điều này khiến cho bùn thải thủy sản không thể giao làm nguyên liệu cho các Nhà máy sản xuất phân bón mà phải giao cho các công ty xử lý, chủ yếu dưới 2 hình thức là chôn lấp hoặc đốt, vừa gây lãng phí nguồn lợi, vừa tăng thêm ô nhiễm môi trường.

VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét đưa bùn thải thủy sản vào loại chất thải rắn thông thường có khả năng tái chế và cấp ký hiệu (TT-R) như quy định tại khoản 3, điều 24, thông tư 02/2022/TT-BTNMT của Quý Bộ để các Nhà máy thủy sản có thể giao cho các Nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất.

Quan ngại trong thực thi EPR và định mức chi phí tái chế (Fs) cao tại Dự thảo QĐ của Thủ tướng Chính phủ:

Cộng đồng DN nói chung và các DN ngành hàng thủy sản nói riêng bày tỏ quan ngại trong cách thức thực thi EPR và định mức chi phí tái chế (Fs) cao.

Trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài nguyên Môi trường đang chủ trì dự thảo v/v «ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu”, định mức chi phí tái chế (Fs) còn rất cao.

VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh và sửa đổi các nội dung đang vướng mắc trong Dự thảo Quyết định, trong đó: xem xét lại định mức chi phí tái chế (Fs): áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị, vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại (gồm cả nhôm và sắt), bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo); áp dụng hệ số Fs 0,2-0,45 cho các loại bao bì: thủy tinh, nhựa cứng PET, nhựa cứng HDPE, bao bì đơn vật liệu mềm và bao bì giấy hỗn hợp.

Bất cập trong việc xác định Cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy:

Về vấn đề này, VASEP kiến nghị Bộ TNMT xem xét có hướng dẫn thống nhất, chi tiết gửi tới các Sở TNMT trên toàn quốc trong việc xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường liên quan việc tuân thủ Điều 39 & 41 của Luật BVMT; (ii) Để xác định rõ những nhà máy/dự án/cơ sở nào thuộc cấp thẩm quyền quy định tại khoản 3 (điểm c) hay khoản 4 Điều 41-Luật BVMT 2020, Bộ TNMT xem xét có hướng dẫn chi tiết chỗ này, trong đó đề xuất với các nhà máy có công suất sản xuất nhỏ & rất nhỏ (dưới 50m3 nước thải/ngày đêm) thì xem xét thuộc cấp Quận/Huyện cấp phép.

Về chính sách thuế TNDN đối với DN ngành thủy sản:

Sau nhiều năm vướng mắc liên quan việc áp mức thuế TNDN cao tới 20% tại Cục thuế nhiều địa phương do Cục thuế xác định sản phẩm thủy sản là từ “hoạt động sơ chế”, sau kiến nghị của VASEP và tham vấn ý kiến của Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT thì ngày 12/3/2021 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 2550/BTC-TCT v/v chính sách thuế TNDN gửi Bộ NNPTNT và VASEP, đã xác định rõ “là hoạt động chế biến thủy sản” làm căn cứ để các Cục thuế xác định ưu đãi thuế TNDN theo quy định hiện hành.

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính sớm đưa nội dung xác định trên vào văn bản QPPL để thực hiện thống nhất theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.

Bất cập về mức đóng BHXH và kinh phí công đoàn:

Trong bối cảnh cuộc sống người lao động còn khó khăn và các DN đang suy giảm sản xuất, các khoản tính gộp vào lương để đóng BHXH cũng cần có sự điều chỉnh cho hợp lý để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và nâng cao đời sống cho người lao động.

VASEP kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn CCTTHC có ý kiến đề xuất với Quốc hội (i) giảm mức đóng BHXH bắt buộc của NLĐ và NSDLĐ về mức đóng tương đương của năm 2009, tức là NLĐ đóng 5% và NSDLĐ đóng 15%, tổng cộng 20% (thay vì mức 25,5% như hiện nay); (ii) đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN của NLĐ còn 0,5% và của NSDLĐ còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế; và (iii) đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương.

Chia sẻ:


Kim Thu
Chuyên gia thị trường Tôm
Email: kimthu@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 – ext.203

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM