VASEP góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về thủ tục hải quan

(vasep.com.vn) Theo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi 2016, hàng nhập khẩu (NK) để sản xuất (SX) cho xuất khẩu (XK) được phép miễn thuế, không phải làm báo cáo quyết toán nhưng tại Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan lại vẫn yêu cầu phải làm báo cáo quyết toán. Do vậy, VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi theo hướng hàng nhập để SXXK đã miễn thuế NK rồi thì chỉ cần làm hồ sơ miễn thuế, không phải làm báo cáo quyết toán nhập xuất tồn hoặc đã làm báo cáo quyết toán nhập xuất tồn (theo lượng) thì không phải làm hồ sơ miễn thuế.

Ngày 7/7/2016, VASEP đã gửi Công văn số 109/2016/CV-VASEP tới Bộ Tài chính góp ý một số nội dung cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị  định 08/2015/NĐ-CP.

Báo cáo quyết toán nhập - xuất - tồn

Trước đây, đối với các mặt hàng này, doanh nghiệp (DN) chỉ làm hồ sơ không thu thuế trình Hải quan. Hải quan xem xét ra quyết định là lô hàng NK cho sản xuất xuất khẩu (SXXK) đã hoàn thành thủ tục về nghĩa vụ thuế. Mặc dù giấy tờ tương đối nhiều nhưng DN không phải thực hiện các khâu khác .

Tuy nhiên, hiện nay theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo nghị định mới cho luật thuế XNK và dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì việc miễn thuế cho hàng NK để SXXK kèm theo điều kiện DN phải: (1) Xuất trình bộ hồ sơ miễn thuế; (2) Báo cáo quyết toán nhập xuất tồn; (3) Tách tài khoản và (4) Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở và kiểm tra thực tế tồn kho.

DN tuy được miễn thuế nhưng lại phải làm rất nhiều thủ tục quá phức tạp kèm theo. Hiện tại Công ty phần mềm SAP của Đức là một trong số các công ty phát triển các phần mềm tiên tiến, thông minh sử dụng cho các công ty SX kinh doanh trên toàn thế giới nhưng khi DN đưa ra yêu cầu cung cấp phần mềm để phục vụ chi tiết cho các thủ tục hải quan phục vụ hàng nhập để SXXK thì công ty phần mềm này còn không đáp ứng được. Đã có rất nhiều DN không thể làm và không nộp được báo cáo quyết toán nhập xuất tồn chi tiết cho hàng nhập để SXXK này mặc dù đã đến kỳ phải nộp.

Do vậy, VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi theo hướng hàng nhập để SXXK  đã miễn thuế NK rồi thì chỉ cần làm hồ sơ miễn thuế , không phải làm báo cáo quyết toán nhập xuất tồn hoặc đã làm báo cáo quyết toán nhập xuất tồn (theo lượng) thì không phải làm hồ sơ miễn thuế.

Đưa hàng về bảo quản

Theo Điều 122 của Dự thảo, thủ tục thuê kho bên ngoài DN chế xuất để lưu giữ nguyên liệu, sản phẩm của DN chế xuất, quản lý hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho yêu cầu nếu DN muốn nhập nguyên liệu về để chế biến XK, khi đưa hàng hóa về bảo quản để chờ chứng nhận của cơ quan chuyên ngành thì kho bãi bảo quản hàng hóa phải được phân cách rõ ràng, có sơ đồ kho bãi và trang bị hệ thống camera giám sát.

VASEP đề nghị Dự thảo quy định rõ, các camera này phải kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan để cơ quan hải quan giám sát hay hình ảnh qua camera chỉ cần chia sẻ qua website qua account và password cho cơ quan hải quan. Việc cung cấp sơ đồ kho bãi và cán bộ hải quan đến đánh giá kho là áp dụng cho từng lô hàng hay chỉ áp dụng tại lần đầu tiên bảo quan tại kho đó? Để tạo thuận lợi cho DN cũng như không gây tốn phí nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước một cách không cần thiết, đề nghị việc đánh giá kiểm tra kho bãi chỉ cần làm 01 lần khi kho bãi đó được sử dụng lần đầu tiên.

Định mức thực tế để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu

Điều 94, khoản 3 của Dự thảo quy định:“Trước khi thực hiện sản xuất, tổ chức, cá nhân phải xây dựng định mức sử dụng và tỷ lệ hao hụt dự kiến đối với từng mã sản phẩm. Trong quá trình sản xuất nếu có thay đổi thì tổ chức, cá nhân phải lưu giữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thay đổi định mức như tài liệu kỹ thuật, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất (nếu có), sơ đồ giác mẫu hoặc mẫu rập (đối với lĩnh vực dệt may, da giày)”.

Tuy nhiên, theo các DN XK thủy sản, việc qui định như trên là không cần thiết vì định mức đã giao cho DN tự khai tự chịu trách nhiệm, nếu cần DN sẽ giải trình định mức thực tế sản xuất với cơ quan Hải quan. Việc phải xây dựng định mức dự kiến rồi sau đó khi thực tế SX có sai khác DN lại phải giải trình.

Trên thực tế đối với hàng thực phẩm nói chung, hàng thuỷ sản nói riêng một sản phẩm sẽ có rất nhiều định mức khác nhau do phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu đầu vào (mức chất lượng khác nhau, size cỡ nguyên liệu khác nhau, vùng nuôi khác nhau... thì định mức cũng sẽ khác nhau). Ví dụ như: định mức trung bình của sản phẩm tôm HLSO làm từ tôm HOSO là 1.60 nhưng có những lô hàng định mức chỉ là 1.54 hoặc có lô lên đến 1.64, đó là chuyện bình thường trong SX thủy sản. Nên trong trường hợp xây dựng định mức dự kiến thì DN sẽ phải làm văn bản giải trình thay đổi định mức liên tục, làm phức tạp thêm hồ sơ, chứng từ không cần thiết.

Ngoài ra, VASEP cũng góp ý về vấn đề hoàn thuế GTGT, thủ tục khai hồ sơ hải quan hàng hóa XNK, cơ quan kiểm tra...

Tại Dự thảo nghị định này cũng chưa có quy định thời hạn tối đa được phép kể từ khi có quyết định hoàn thuế thì Nhà nước sẽ trả tiền hoàn thuế cho DN và nếu chậm hoàn thuế (quá thời hạn đã quy định nói trên) thì Nhà nước phải trả lãi chậm hoàn thuế cho DN (hiện nay là 0,05%/ngày, sau 01/08/2016 là 0,07%/ngày) như quy định về thuế tính phạt chậm nộp thuế của DN. Trong khi hiện nay các DN đều phải vay vốn để SX kinh doanh thì việc chậm được hoàn thuế mà không được nhận lãi phát sinh trong trường hợp hoàn thuế chậm là không đúng pháp luật về thuế và không công bằng với DN. Do đó, VASEP đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Dự thảo quy định thời hạn hoàn thuế cho DN sau khi đã có quyết định hoàn thuế cũng như quy định trả lãi nếu chậm hoàn thuế cho DN sau thời hạn trên.

Về thủ tục khai bổ sung hồ sơ hải quan hàng hóa XK, NK khi gửi thừa, nhầm hàng trong dự thảo còn chưa cụ thể, dễ gây hiểu nhầm, chưa nêu rõ trường hợp nào  được coi đúng là do thừa hoặc nhầm còn trường hợp nào thì bị coi là gian lận.

Dự thảo cũng cần làm rõ khi có 2 cơ quan cùng kiểm tra (cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan kiểm tra chất lượng của Tổng cục Hải quan) thì trường hợp nào hàng hóa sẽ được cơ quan nào kiểm tra để tránh hàng hóa bị kiểm tra 2 lần, gây mất thời gian và lãng phí chi phí, nhân lực cho cả DN và các cơ quan kiểm tra.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM