VASEP đề nghị lùi thời gian thi hành nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ Môi trường tới năm 2024

(vasep.com.vn) Ngày 25/8/2021, VASEP đã gửi công văn góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 (Luật BVMT). Tại công văn này, VASEP đề nghị lùi thời hạn hiệu lực thi hành của nghị định đến 01/01/2024 và hiệu lực áp dụng trách nhiệm tái chế bao bì sớm nhất là ngày 01/01/2025 vì quá gấp và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, khoản tiền mà DN phải đóng vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam được gọi là khoản “đóng góp tài chính” cũng không phù hợp.

Tiếp nối Công văn số 97/CV-VASEP ngày 07/8/2021 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý cho Dự thảo Nghị  định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 25/8/2021, VASEP gửi Công văn số 101/CV-VASEP (CV 101) tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Môi trường, VCCI góp ý cho dự thảo Nghị định này.

Lùi thời hạn thực thi nghị định đến năm 2024

Tại CV 101, VASEP cho rằng, hiện nay, cả người dân và doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình cùng Chính phủ chống dịch. Nếu Nghị định áp dụng vào ngày 01/01/2022 thì doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều gánh nặng chi phí để tuân thủ các yêu cầu mới của Nghị định, trong khi thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh, cũng như đã phát sinh rất nhiều khoản chi phí liên quan đến chống dịch Covid-19, không còn nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất sau đại dịch chứ chưa tính đến nguồn lực cho việc tuân thủ này. Dự đoán hậu quả của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu (nếu các chính phủ của các quốc gia trên toàn cầu khống chế được dịch bệnh trong năm 2022) sẽ kéo dài đến tận năm 2023-2024.

Bên cạnh đó, việc áp dụng Nghị định ngay đầu năm 2022 và các quy định về trách nhiệm tái chế bao bì từ ngày 1/1/2024 cũng buộc các DN phải tăng giá hàng hóa. Cuộc sống của người dân khi đó sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề do giá cả hàng hóa đắt hơn trong khi thu nhập và tích lũy tài chính cá nhân đang giảm sút do đại dịch, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kép của Chính phủ.

Lộ trình thực hiện việc tái chế cũng còn phụ thuộc vào quy trình thủ tục và thời gian cấp phép, cũng như việc đầu tư công nghệ và thiết bị tái chế không thể thực hiện sớm, do vướng mắc việc lựa chọn quy mô đầu tư, loại hình công nghệ cho việc tái chế phải phù hợp với loại sản phẩm và bao bì được tái chế. Để đạt được tỷ lệ thu hồi bao bì cao như trong Dự thảo quy định, DN cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3 - 5 năm. 

Do đó, đề nghị lùi thời hạn hiệu lực thi hành của Nghị định đến 1/1/2024 và hiệu lực áp dụng trách nhiệm tái chế bao bì sớm nhất là ngày 01/01/2025.

Khoản tiền đóng vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam gọi là “đóng góp tài chính” không phù hợp

Việc gọi tên khoản tiền mà DN phải đóng vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam là “đóng góp tài chính” là không phù hợp. Bởi nếu đã gọi là “đóng góp” thì đó là khoản tiền đóng tự nguyện dựa trên khả năng và nguyện vọng mong muốn của DN. Nhưng đây là khoản tiền phải đóng theo quy định bắt buộc của Nghị định, nên phải gọi là “phí” và mức thu, cơ chế quản lý thu phải tuân thủ theo đúng Luật Quản lý phí và lệ phí chứ không phải quy định tại Nghị định này.

Ngoài ra, VASEP cũng góp ý về một số điều khoản, khái niệm trong dự thảo như:

Khái niệm về “Di sản thiên nhiên” đã được giải thích cụ thể tại Khoản 1, Điều 20 Luật BVMT 2020 và trong Luật này không yêu cầu Chính phủ giải thích gì thêm nhưng vẫn được quy định tại Khoản 25, Điều 3 của Dự thảo.

Khái niệm về “Khu bảo tồn thiên nhiên” đã được giải thích cụ thể tại Khoản 12, Điều 3 của Luật Đa dạng sinh học 2008 và cũng không được Luật BVMT 2020 giao nhiệm vụ giải thích lại nhưng vẫn được nêu trong Khoản 24, Điều 3 của Dự thảo (và giải thích trong Dự thảo cũng khác so với khái niệm đã được nêu tại Luật Đa dạng sinh học 2008).

Khoản 3, Điều 20 Luật BVMT 2020 yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí của “Di sản thiên nhiên” đã nêu tại Khoản 2, Điều 20 Luật BVMT 2020  nhưng Dự thảo (Khoản 1 Điều 18) lại đưa ra các tiêu chí không khác biệt gì so với Khoản 1, Điều 20 Luật BVMT 2020.

Tại Khoản 4, Điều 14: “Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí” thuộc  Luật BVMT có yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết Điều này”, nhưng  trong Dự thảo chưa quy định đầy đủ về “Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí” (Điều 7 đến Điều 10 của Dự thảo có quy định về cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc xây dựng, ban hành kế hoạch về quản lý môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh cũng như việc thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, còn những trách nhiệm quản lý khác hoàn toàn chưa có)

Tại Khoản 8, Điều 92 “Bảo vệ tầng ô - dôn” của Luật BVMT 2020 có yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết Điều này nhưng trong Dự thảo không có Điều nào quy định chi tiết cho nội dung trên.

Tạ Hà - Hoàng Yến

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM