Tổng cục Hải quan trả lời vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản về thuế và hải quan

(vasep.com.vn) Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (NĐ 134/2016), trong đó có nội dung sửa đổi về miễn thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa NK để gia công quy định tại Khoản 4, Điều 10 NĐ 134/2016 để đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Trả lời kiến nghị của VASEP về những vướng mắc tại quy định xử lỷ thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa của loại hình gia công, Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đã có Công văn số 17786/BTC-TCHQ ngày 28/12/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cách áp dụng chính sách thuế đối với phế liệu, phế phẩm của loại hình gia công quy định tại Khoản 4, Điều 10 của NĐ 134/2016 theo hướng: Phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công được miễn thuế NK khi tiêu thụ nội địa nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Không giới hạn tỷ lệ 3% đối với phế liệu, phế phẩm; chỉ giới hạn tỷ lệ 3% đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa.

Ngày 7/02/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1366/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thực hiện NĐ 134/2016 của Chính phủ như sau: “Hướng dẫn thực hiện NĐ 134/2016 theo quy định; trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì rà soát, báo cáo xin ý kiến Chính phủ”.

Để xử lý vướng mắc về miễn thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa NK để gia công quy định tại Khoản 4, Điều 10 của NĐ 134/2016, Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 55 và Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC theo hướng miễn thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công được xác định trên cơ sở định mức thực tế sản xuất của DN. Như vậy, hiện nay vướng mắc về miễn thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã NK để gia công quy định tại Khoản 4, Điều 10 của NĐ 134/2016 đã được hướng dẫn tại các Điều 55 và Điều 71 của Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Một vấn đề vướng mắc nữa là bất cập trong việc cộng thêm phí cân container (CIC), phí chứng từ (D/O); phí vệ sinh container vào trị giá tính thuế trên tờ khai hải quan khiến thuế VAT bị đội lên mà VASEP đã kiến nghị tại Công văn số 42/2018/CV-VASEP gửi Tổng cục Hải quan ngày 20/3/2018. Tổng cục Hải quan cho biết, về trị giá hải quan đối với các khoản điều chỉnh, các công ty chỉ phải thực hiện khai báo chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên nếu các khoản chi phí này thuộc khoản điều chỉnh cộng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 và đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC.

Cửa khẩu nhập đầu tiên đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018.

Các chi phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa trả cho những hoạt động phát sinh sau khi hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên, hoặc các chi phí phát sinh đến cửa khẩu nhập đầu tiên nhưng không đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2015/TT-BTC thì không phải cộng vào trị giá hải quan.

Trong quá trình kiểm tra trị giá khai báo, cơ quan hải quan căn cứ vào hồ sơ thực tế lô hàng nhập khẩu và các chứng từ, tài liệu có liên quan, đối chiếu với các quy định về khoản phải cộng, các điều kiện cộng vào trị giá hải quan nêu trên để xác định các khoản chi phí vận tải hoặc chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên phải cộng hay không phải cộng.

Về thuế giá trị gia tăng: Việc thực hiện kê khai thuế GTGT đối với các khoản phí vận tải và các chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Thuế nội địa để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo thống nhất tránh bị tính thuế giá trị gia tăng hai lần ở khâu nhập khẩu và khâu nội địa.

Trước đó, ngày 22/5/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4765/VPCP-KSTT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính:

1. Nghiên cứu phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (gửi kèm theo) để xử lý, trả lời theo quy định và báo cáo Thủ tướng trước ngày 10 tháng 6 năm 2018.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi tiêu cực.

2. Khẩn trương nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền và hoàn thành trong Quý III năm 2018 một số nội dung sau:

- Kiến nghị sửa đổi quy định tại Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác và đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị tiêu hủy, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất xuất khẩu và loại hình gia công.

- Xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi các Thông tư quy định một số mức phí và lệ phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (Thông tư số 230/2016/TT-BTC , số 279/2016/TT-BTC , số 285/2016/TT-BTC , số 286/2016/TT-BTC) bảo đảm hợp lý, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

- Tiếp tục hoàn thiện danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2017) để tạo sự thống nhất, minh bạch và hạn chế tiêu cực trong việc áp mã HS.

- Giải quyết vướng mắc về phí cân bằng container (CIC), phí chứng từ (D/O), phí vệ sinh container quy định tại Công văn số 1237/TCHQ-TXNK ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Tổng cục Hải quan để bảo đảm phù hợp về thẩm quyền, cơ sở pháp lý và thực tiễn.

- Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, quá tải, lỗi hệ thống xảy ra trong thời gian qua và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức cơ quan thuế, hải quan.

- Phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống thông tin của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan.

Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, các Cục Hải quan, Cục Thuế tăng cường quản lý cán bộ, công nhân viên, kiểm tra xử lý vi phạm nghiêm túc, đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm kịp thời hơn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM