Tác động của Dự thảo Bộ Luật lao động đến “Việc làm và đảm bảo việc làm” cho người lao động

Quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới sẽ kéo theo chi phí đầu tư vào sức lao động tăng cao

Điều này dẫn đến đẩy chi phí “đầu vào” ở mức lớn hơn, khiến cho nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực về tài chính để tồn tại và tiếp tục hoạt động. Khi đó, nhiều doanh nghiệp do không thể tồn tại được trước “áp lực gia tăng” của Bộ luật lao động mới sẽ buộc phải giải thể hoặc chấm dứt hoạt động, kéo theo nhiều người lao động (NLĐ) phải “ra đường” và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam.

 Hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm ở Việt Nam là tương đối cao (doanh nghiệp đóng góp 21,5%; người lao động đóng góp 10,5%); bên cạnh đó, nhìn vào bức tranh tiền lương của Việt Nam từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Đây đã là một sự tăng rất nhanh và cao trong những năm vừa qua. Kèm theo đó là hàng loạt các chi phí như chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ hoạt động cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, ...  Đơn cử như tại một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, với kinh phí Công đoàn hiện nay là 2% trên tổng quỹ lương, ước tính kinh phí công đoàn phải đóng là 3 tỷ đồng trong khi mỗi năm doanh nghiệp chỉ lãi từ 12 đến 13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sử dụng sức lao động là con người còn tồn tại nhiều rủi ro như khiếu nại, đình công, nghĩa vụ với tổ chức đại diện NLĐ.

 Đứng trước sức ép nặng nề và tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy, doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, hoặc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực khác để giảm bớt gánh nặng chi phí cho sức lao động.

Nhiều doanh nghiệp phải tính đến phương án khác nhằm thay thế “sức lao động của con người”

Việc gia tăng chi phí đầu tư vào sức lao động khi Dự thảo BLLĐ mới được thông qua sẽ gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn lại đang cố gắng gượng “để tồn tại” sẽ phải tính đến phương án khác nhằm thay thế “sức lao động của con người” (như thay đổi quy trình công nghệ, máy móc, thiết bị...). Điều này sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội cũng vì thế sẽ nhiều hơn, gây bất ổn đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều tác động lớn đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với trí tuệ nhân tạo AI áp dụng vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể sử dụng các máy móc, robot công nghệ cao để thay thế cho sức lao động của con người.

Khi lựa chọn sử dụng máy móc, doanh nghiệp có thể phải vay vốn, đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, nhưng sau này họ sẽ “chủ động” hơn và không phải đối phó với môi trường luật pháp nhiều biến động và khắc nghiệt của Việt Nam về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội. Khi đó, thay vì phải đối phó với vấn đề tuyển dụng lao động, thời gian làm thêm, rút ngắn thời gian làm việc bình thường… doanh nghiệp sẽ cho chấm dứt hàng loạt lao động do “thay đổi cơ cấu công nghệ” và sẽ sử dụng rất ít số lao động có tay nghề cao. Hàng loạt lao động tay nghề đơn giản sẽ mất việc. Mà trong thực tế hiện nay, số lượng lao động tay nghề đơn giản lại chiếm số lượng rất lớn tại các doanh nghiệp.

Sau tất cả những phân tích ở trên, vẫn cần khẳng định sự thật là doanh nghiệp vẫn mong muốn muốn giữ chân NLĐ, thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình đối với NLĐ để san sẻ gánh nặng với Nhà nước và xã hội. Nhưng nếu giữ các quy định khắt khe như trong Dự thảo Bộ Luật Lao động mới, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, chuyển hướng đầu tư sang sử dụng máy móc thiết bị, thay vì đầu tư cho sức lao động; hoặc đầu tư sang các lĩnh vực khác. Khi đó, hàng vạn lao động Việt Nam sẽ ra đường, nhập vào số lượng lao động tự do, thất nghiệp đang và sẽ là “vấn nạn” làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách hiện nay. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng lớn. Nhìn xa hơn nữa là ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia khi tình hình chính trị - kinh tế - xã hội có nhiều bất ổn.

Thay vì phải chịu “gánh nặng” khi nhiều lao động bị mất việc làm, số lượng người thất nghiệp gia tăng, Nhà nước nên tạo cơ chế pháp lý thuận lợi hơn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội để các doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Đây là điều cần cân nhắc khi xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định trong Dự thảo Bộ Luật Lao động mới.      

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục

  • T1
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM